Cách đây không lâu, Trung Quốc được cho là sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để cứu các công ty lớn nhất của mình khỏi sự sụp đổ. Tuy nhiên, theo tạp chí The Economist của Anh, mọi thứ đã thay đổi.
Ba tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc - tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất nước này Evergrande, công ty mua bán nợ xấu của ngân hàng Huarong và "gã khổng lồ" bán lẻ Suning - đều đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ làm gì với các tập đoàn này.
Việc ba công ty này vội vã mở rộng trong một thời gian dài đã xung đột với xu hướng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, môi trường tín dụng thắt chặt hơn và quy định chặt chẽ hơn. Trái phiếu của các công ty này đang được giao dịch thấp hơn khoảng 25% so với mệnh giá. Điều này cho thấy giới đầu tư đã xác định các công ty này có khả năng vỡ nợ.
Những người trong ngành tài chính đang tranh luận về việc liệu Chính phủ Trung Quốc có để các công ty này phá sản hay không. Nhà phân tích của một công ty quản lý tài sản lớn nắm giữ trái phiếu Huarong cho biết công ty của ông tin rằng nhà nước cuối cùng sẽ giải cứu ngân hàng này vì ngân hàng này có vai trò tích cực trong việc xử lý các khoản nợ xấu trong hệ thống tài chính.
Trong khi đó, một cựu cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã nói rằng Evergrande và Suning có thể dễ bị "hy sinh" hơn bởi gây ra ít nguy hiểm hệ thống hơn.
Trong trường hợp đầu tiên, những rắc rối của các công ty phản ánh khả năng quản lý yếu kém. Tuy nhiên, việc chính phủ sẵn sàng để cho các công ty này đi đến bờ vực cũng cho thấy một dấu hiệu khác, đó là tâm lý tin tưởng khu vực ngân hàng hiện đã đủ vững chắc để đối phó với một đợt hỗn loạn lớn.
Không phải lúc nào cũng như vậy. Năm 2015, các ngân hàng Trung Quốc đã gần như rơi vào khủng hoảng khi dòng vốn hơn 1.000 tỷ USD đã chảy ra khỏi quốc gia này và các vụ vỡ nợ công ty tăng lên. Nhiều ngân hàng cuối cùng đã cần đến các gói cứu trợ.
Điều này khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng các ngân hàng vẫn đang ở thế yếu. Với một vài trường hợp ngoại lệ, các ngân hàng Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong có giao dịch thấp hơn nhiều so với giá trị tài sản theo sổ sách.
Điều này cho thấy mức độ bi quan cao về triển vọng của các ngân hàng này. Nguyên nhân của vấn đề này là việc họ phát hành tín dụng quá nhanh trong 15 năm qua, khi sổ vay nợ của họ tăng gấp 9 lần, gần gấp đôi so với mức chung của nền kinh tế.
Tuy nhiên, bất kỳ đánh giá công bằng nào về các ngân hàng của Trung Quốc đều phải xem xét đến những thay đổi nhằm giúp các ngân hàng an toàn hơn. Các cơ quan quản lý đã gỡ bỏ một số vấn đề phức tạp ngoài bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, ví dụ như việc cắt giảm các khoản cho các công ty tài chính khác vay. Những khoản cho vay này đã tăng vọt lên 78% GDP vào cuối năm 2016, nhưng nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng 54%.
Các ngân hàng cũng chuẩn bị tốt hơn cho những "va chạm" phía trước. Các ngân hàng có mức đệm vốn tương đương 14,7% tài sản vào cuối năm 2020, một mức cao kỷ lục. Ngay cả khi các khoản nợ xấu tăng lên gần 2% vào năm ngoái, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, các ngân hàng vẫn có trích lập dự phòng tiền mặt đủ để trang trải gần gấp hai lần. Chính phủ hiện cũng yêu cầu các ngân hàng lớn nhất chuẩn bị sẵn các giải pháp trong trường hợp gặp khó khăn.
Những thay đổi này khiến Trung Quốc tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quy định toàn cầu, mặc dù có một số khác biệt. Ở hầu hết các quốc gia, mục tiêu quan trọng là tránh để nhà nước phải cứu các ngân hàng liều lĩnh. Tuy nhiên ở Trung Quốc, nhà nước đã sở hữu phần lớn cổ phần tại hầu hết các ngân hàng lớn.
“Câu hỏi đặt ra là có xóa sạch vốn chủ sở hữu vốn đã là tiền của dân và sau đó đưa tiền mới của người đóng thuế vào không? Hay bắt đầu với việc tránh xóa sổ vốn chủ sở hữu?", chuyên Nicholas Zhu thuộc công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's cho biết.
Ông nói thêm rằng các cơ quan quản lý đang thực hiện một cách tiếp cận hỗn hợp, hỗ trợ nợ ưu tiên có lãi suất thấp, nhưng không hỗ trợ nợ thấp cấp như trái phiếu vĩnh viễn.
Các ngân hàng yếu nhất ở Trung Quốc gần như hoàn toàn là những ngân hàng nhỏ nhất của nước này. Nhìn chung, các ngân hàng này có tài sản ít tin cậy hơn, quản lý kém chuyên nghiệp và đệm vốn mỏng hơn. Thay vì giải quyết từng vấn đề một, các cơ quan quản lý đang làm việc để gắn kết chúng lại với nhau. Các vụ sáp nhập đang được tiến hành tại các tỉnh Liêu Ninh, Sơn Tây và Tứ Xuyên.
Vivian Xue, công ty xếp hạng tín dụng Fitch, cho biết: “Sự hợp nhất là điều chúng tôi mong đợi. Điều này cho phép các yêu cầu cao hơn về quản trị doanh nghiệp và kiểm soát rủi ro”.
Có lẽ quan ngại lớn nhất về các ngân hàng của Trung Quốc hiện nay không phải là sự liều lĩnh của họ mà là liệu các nhà quản lý có đang tạo ra những rủi ro mới với một bộ quy tắc cho vay mới hay không.
Lo lắng về lĩnh vực bất động sản, các nhà quản lý đã yêu cầu các ngân hàng giới hạn các khoản vay thế chấp và vay bất động sản sản khác tương đương không quá 35% tổng cho vay. Trong khi đó, năm ngoái, các nhà quản lý đã ra lệnh cho các ngân hàng phải tăng các khoản cho các công ty nhỏ vay từ 30% đến 40%.
May Yan, nhà phân tích của ngân hàng UBS, nói: “Trước đây, các nhà quản lý phàn nàn rằng tất cả các ngân hàng đều giống nhau và muốn họ phục vụ các cơ sở khách hàng khác nhau. Một số quy định gần đây đang khiến các ngân hàng trở nên giống nhau".
Thực tế, xu hướng thu nhập của các ngân hàng đã giống nhau hơn. Ví dụ, đối với 10 ngân hàng lớn nhất ở Trung Quốc, gần như tất cả đều công bố mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 2% vào năm ngoái, với ít khác biệt nhất trong lịch sử của các ngân hàng này.
Xu hướng này cho thấy rủi ro chính đối với các ngân hàng Trung Quốc là sự thiếu đa dạng hóa. Cùng với việc có hồ sơ cho vay giống nhau, tài sản của các ngân hàng cũng tập trung áp đảo ở Trung Quốc.
Các khoản vay nước ngoài hiện chỉ chiếm 2% trong danh mục cho vay. Tất cả các điều khoản dự phòng rủi ro cho vay, đệm vốn và cải thiện quản trị có thể làm cho các ngân hàng an toàn hơn. Nhưng cuối cùng, biện pháp duy nhất thực sự quan trọng là thể trạng của nền kinh tế Trung Quốc./.
Theo bnews.vn
Nguồn bài viết: