Theo TS. Cấn Văn Lực, nghiên cứu và phát triển tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành (CBDC) được coi là bước tiến quan trọng trong việc xoay trục tài chính quốc gia theo xu hướng mới, tiến tới đưa VND trở thành đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền, có kiểm soát.
Bản chất tiền kỹ thuật số có chủ quyền quốc gia là hình thức “điện tử hóa” dạng vật chất của tiền mặt nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lượng cung tiền, vẫn có thể tạo dư địa cho chính sách tiền tệ và điều tiết tốt hơn các chính sách vĩ mô khác.
Đồng CBDC trên nền tảng công nghệ blockchain và sự đảm bảo bởi uy tín của Ngân hàng Nhà nước sẽ mang lại những lợi ích và tác động dài hạn, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ có điều kiện phát triển tốt hơn như huy động vốn cộng đồng (crowd-funding), các dịch vụ fintech…
Phân tích sâu về những lợi ích này, ông Lực cho rằng đồng CBDC thúc đẩy thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt và sự phát triển của dịch vụ thanh toán, tài chính hiện đại nhờ sự thuận tiện, an toàn, tin cậy cao, chi phí thấp, hạn chế rủi ro của việc dùng tiền mặt, với chi phí phát hành và lưu thông cao, rủi ro kiểm đếm, tiền giả, không đảm bảo tiêu chí xanh, thân thiện môi trường.
Ngoài ra, đồng CBDC còn nâng cao vị thế của đồng tiền pháp định trong nước, gia tăng sức mạnh khi được tương thích với các hệ thống thanh toán xuyên biên giới; hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế, thông qua thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số, giao dịch số.
Đồng thời, đồng CBDC tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện; góp phần tăng cường khả năng đối phó với các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, tham nhũng, hacker và tội phạm mạng nhờ tính minh bạch và công khai hơn.
Tất nhiên, bên cạnh những lợi ích, các chuyên gia cũng chỉ ra những rủi ro, thách thức khi triển khai tiền kỹ thuật số.
Đó là mức độ chấp nhận thấp do tâm lý, hiểu biết kỹ thuật chưa nhiều, hoặc những rủi ro ảnh hưởng uy tín đến các tổ chức tài chính, trung gian thanh toán khi lỗi, vi phạm xảy ra.
Bên cạnh đó là những rủi ro kỹ thuật và thách thức đối với điều hành của Ngân hàng Trung ương và các cơ quan quản lý, nhất là đối với giao dịch xuyên biên giới.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong phát triển tiền kỹ thuật số cũng như các ví điện tử chính là vấn đề an toàn thông tin. Việc sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain đã hạn chế rất nhiều những lo ngại này nhưng theo Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Việt Nam vẫn phải có những phương án cụ thể để đảm bảo an toàn thông tin bảo mật nếu khi phát triển ứng dụng tiền kỹ thuật số cho các hoạt động thanh toán.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn cần mở rộng hơn nữa hạ tầng Internet. Mặc dù độ phủ Internet ở Việt Nam hiện nay đã rất rộng đến các khu vực, vùng miền trên cả nước nhưng ở các vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế.
Chuyên gia Cấn Văn Lực khuyến cáo Việt Nam cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng với bước đi phù hợp nhưng “cũng không nên quá bảo thủ, quá thận trọng đến mức cản trở tiến trình chuyển đổi số quốc gia”. “Khi mở ra, tiền kỹ thuật số có thể sử dụng cho mọi giao dịch, nhưng nên bắt đầu bằng thí điểm giao dịch nhỏ lẻ ở một số thành phố, qua một số ngân hàng, rồi sau đó mới nhân rộng”, chuyên gia này gợi ý.
Theo doanhnghiephoinhap.vn
Nguồn bài viết: