Đánh giá về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, nhiều chuyên gia cho rằng, với mục tiêu "kép" là kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, chắc chắn giữ được niềm tin của người dân, doanh nghiệp và khi tình hình ổn định trở lại, kinh tế Việt Nam sẽ có cơ sở để hồi phục nhanh. Tuy nhiên, Chính phủ cần thận trọng khi sử dụng các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Trao đổi với báo chí, PGS. Trần Đình Thiên, đánh giá, việc Chính phủ đưa ra các biện pháp vừa chống dịch để bảo vệ người dân, vừa hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, bảo vệ doanh nghiệp được xem là cách tiếp cận mang tính hệ thống và đang phát huy tác dụng tích cực.
Cụ thể, trên phương diện kinh tế, hiện Chính phủ chưa đưa ra "gói giải cứu" mà chỉ đưa "gói hỗ trợ". Theo đó, Bộ Tài chính đã chính thức trình Chính phủ xem xét, thông qua Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 với số tiền lên đến 80.200 tỷ đồng sẽ có hiệu lực ngay khi Chính phủ ban hành và thực hiện trong năm nay. Bên cạnh đó, cùng với các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động xây dựng một gói hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số vốn khoảng 280 nghìn tỷ đồng, giúp các doanh nghiệp giảm gánh nặng lãi suất và áp lực trả nợ.
Đặc biệt, cùng với việc áp dụng linh hoạt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, Chính phủ cũng tập trung giải ngân đầu tư công nhằm hỗ trợ nền kinh tế ổn định và phát triển trong điều kiện nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chịu tác động bất lợi từ dịch bệnh.
Cũng đưa ra ý kiến liên quan đến các chính sách tiền tệ và tài khoá của Chính phủ trong nỗ lực hỗ trợ người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng doanh nghiệp, PGS. TS. Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học - Trường đại học Kinh tế quốc dân - cho rằng, lúc này Chính phủ cần thận trọng trong việc sử dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế bởi dịch bệnh còn có thể kéo dài trong khi nguồn lực ngân sách hạn hẹp. Do đó, ông Thành cho rằng, bên cạnh việc sử dụng các nguồn lực từ ngân sách thì cần đẩy mạnh việc thu hút các nguồn lực nguồn khác trong xã hội để duy trì tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, và đảm bảo được các nguồn lực tăng trưởng dài hạn. Đồng thời, có giải pháp củng cố và gia tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, tăng trợ cấp thất nghiệp, kéo dài thời hạn nhận bảo hiểm thất nghiệp, giảm thuế cho nhóm thu nhập thấp; nâng mức khởi điểm thuế thu nhập cá nhân; hỗ trợ nhóm người dễ bị tổn thương (lao động trình độ thấp, lao động khu vực phi chính thức, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa,…).
Phân tích sâu hơn, ông Thành cho rằng, mở rộng chính sách tiền tệ quy mô lớn sẽ có hiệu quả thấp do khả năng hấp thụ dòng tín dụng mới là rất khó khăn, các doanh nghiệp đóng cửa sản xuất hay sản xuất cầm chừng không phải vì thiếu vốn mà vì cầu giảm sút nghiêm trọng, chuỗi sản xuất toàn cầu bị đình trệ, kéo theo những phản ứng của doanh nghiệp đối với chính sách là rất yếu trong giai đoạn hiện nay. Hơn thế, việc này có thể đưa đến những rủi ro ổn định vĩ mô.
Trong khi đó, với Ngân hàng Nhà nước, vị chuyên gia đến từ Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, chỉ nên đảm bảo và hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại để giúp các ngân hàng hỗ trợ về điều kiện tín dụng, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… nhằm giúp doanh nghiệp giă tăng được tính thanh khoản.
Đặc biệt, theo ông Thành, Chính phủ chỉ nên hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức tín dụng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thay vì sử dụng chính sách kích thích kinh tế và hỗ trợ lãi suất quy mô lớn để tránh rủi ro về lạm phát.
Đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng là một trong những giải pháp được ông Thành đưa ra với phân tích, trong bối cảnh các nguồn lực tư nhân và FDI giảm sút do ảnh hưởng của dịch bệnh thì vai trò vốn từ ngân sách Nhà nước trở nên quan trọng.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông Thành khuyến nghị, cần chủ động chuẩn bị và sẵn sàng các giải pháp chống đỡ có hiệu quả đối với những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp tự cải cách cấu trúc doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, tìm kiếm các nguồn cung và thị trường mới, thị trường thay thế.
Theo
Nguồn bài viết: