Giám đốc BHXH TP Hà Nội Phan Văn Mến phát biểu tại Hội nghị
Hiện nay, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP. Hà Nội sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền trực tiếp, kết hợp với trực tuyến để người dân hiểu được chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó, tuyên truyền theo nhóm nhỏ là hình thức tuyên truyền được các BHXH quận, huyện, thị xã, các tổ chức dịch vụ thu thực hiện thường xuyên. Phương pháp tuyên truyền này giúp cán bộ BHXH có thể tiếp cận trực tiếp, tư vấn sâu cho người dân hiểu rõ được chính sách, đồng thời nắm bắt được hoàn cảnh gia đình, mức thu nhập, tâm lý người dân để đưa ra tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Tuyên truyền qua nhóm nhỏ đã được BHXH quận Hai Bà Trưng vận dụng và mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngay từ đầu năm, BHXH quận Hai Bà Trưng đã thành lập tổ tuyên truyền phát triển người tham gia BHXH, BHYT, trong đó lực lượng nòng cốt là đoàn viên thanh niên BHXH quận, được thường xuyên đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, bồi dưỡng nhận thức về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chính sách về BHXH, BHYT.
Từ đầu năm đến nay, BHXH quận đã phối hợp với UBND phường Bạch Mai tổ chức 2 đợt ra quân theo mô hình chia thành các nhóm nhỏ, tới từng địa bàn tổ dân phố, với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt như: Tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của phường; truyền thông trực quan thông qua phát thư ngỏ, tờ rơi, tờ gấp, mô tả sinh động về các mức đóng, mức hưởng, mức hỗ trợ tới tận tay người dân kết hợp tuyên truyền trực tiếp, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Hình thức tuyên truyền này được BHXH quận tổ chức thường xuyên lần lượt tới toàn bộ 18 phường trên địa bàn vào các ngày cuối tuần, thời điểm được cho là phù hợp nhất do phần lớn người dân tập trung đông đủ tại nhà.
Hà Nội ra quân Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự guyện, BHYT hộ gia đình trên các tuyến phố.
Bên cạnh hình thức tuyên truyền theo nhóm nhỏ, BHXH các quận, huyện, thị xã cũng xác định, phân loại đối tượng tiềm năng để đưa ra phương pháp tuyên truyền phù hợp. Đối với đối tượng thuộc một ngành nghề, có khả năng tài chính, BHXH quận, huyện, thị xã sử dụng hình thức tổ chức hội nghị tuyên truyền. Vừa qua, BHXH quận Hai Bà Trưng đã phối hợp với Phòng Y tế quận tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho hơn 400 cán bộ làm công tác y tế, an toàn thực phẩm tại các trường tư thục, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận.
Tuyên truyền qua hội nghị, BHXH quận Thanh Xuân đã phối hợp UBND phường Khương Trung, UBND phường Thanh Xuân Bắc và Hội Phụ nữ phường Khương Đình, Bưu điện Trung tâm 2 tổ chức hội nghị khách hàng phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại UBND phường và các tổ dân phố. Tại hội nghị, những thắc mắc của người dân về chính sách được cán bộ BHXH giải đáp thỏa đáng.
Ngày 6/9/2023 BHXH quận Cầu Giấy và Bưu điện Trung tâm 3 phối hợp Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT phường Nghĩa Đô tổ chức Hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện và phát tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tại hội nghị, người dân và người lao động trên địa bàn phường đã được nghe tuyên truyền, phổ biến những điều cần biết về chính sách BHXH tự nguyện như: đối tượng tham gia, mức đóng, mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước khi tham gia, quyền lợi thiết thực lâu dài được hưởng và tầm quan trọng của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Đặc biệt, thực hiện kế hoạch thi đua của BHXH thành phố, BHXH các quận, huyện, thị xã đã lồng, ghép thực hiện phát động phong trào thi đua, yêu cầu mỗi cán bộ viên chức BHXH là một tuyên truyền viên về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế; chủ động tuyên truyền lợi ích của chính sách này đến người thân, bạn bè, hàng xóm... Cùng với đó, cán bộ viên chức BHXH tích cực đổi mới cách thức tuyên truyền gần gũi với người dân thông qua mạng xã hội như zalo, facebook...
Cán bộ BHXH Hà Nội tuyên truyền về BHXH tự nguyện đến nhóm lao động tự do
Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND của HĐND thành phố về quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, Cụ thể, thành phố Hà Nội hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; Hỗ trợ thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo; Hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác (mức hỗ trợ này ngoài mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện được quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ). Thời gian thực hiện chính sách từ ngày 1/8/2022 đến 31/12/2025. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách quận, huyện, thị xã.
Báo cáo kết quả thực hiện công tác BHXH, BHYT trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm, Giám đốc BHXH TP.Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, số người tham gia BHXH bắt buộc là 1.988.714 người, tăng 5,48% tương đương tăng 103.355 người so với cùng kỳ năm 2022; tăng 5.952 người, tăng 0,30% so với 31/12/2022; chiếm 42% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHXH tự nguyện 76.759 người, tăng 19,97% tương đương tăng 12.775 người so với cùng kỳ năm 2022; tăng 1.744 người, tăng 2,32% so với 31/12/2022; chiếm 1,75% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND, năm 2022, Ngân sách TP đã hỗ trợ 44.635 người tham gia BHXH tự nguyện với số tiền 8,2 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ngân sách TP đã hỗ trợ 52.865 người tham gia BHXH tự nguyện với số tiền 10,7 tỷ đồng.Thực hiện Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND, 5 quận, huyện đã hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện từ Ngân sách địa phương (Quỹ Vì người nghèo). Tổng số người đã được hỗ trợ là 1.409 người với số tiền hỗ trợ 1,9 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện nay, BHXH Hà Nội ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT với 187 cơ sở KCB với 611 điểm kết nối liên thông dữ liệu để thực hiện khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Số lượt KCB BHYT là 5.881.747 lượt. Chi phí KCB BHYT là hơn 10.342 tỷ đồng.
Theo kế hoạch Thành phố giao năm 2023, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 93,5% dân số; tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội đạt 45% số người trong độ tuổi lao động, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm 2%; số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp đạt 39% lực lượng lao động.
Tính đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế của Thành phố đạt 93,1% dân số (Chưa bao gồm lực lượng vũ trang) với hơn 7.736 nghìn người tham gia, tăng 0,2% so với cuối tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022; có 1.989 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc (chiếm 42% lực lượng trong độ tuổi lao động), tăng 0,2% và tăng 5,5%; gần 76,8 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện (chiếm 1,8%), tăng 1,2% và tăng 20%; có 1.922 nghìn người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (chiếm 38,6%), tăng 0,2% và tăng 5,6%.
Kết quả trên cho thấy chính sách BHXH, BHYT đã đến gần hơn với người dân, trở thành trụ cột của hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Chính sách BHXH tự nguyện hướng tới người nông dân, lao động làm việc trong khu vực phi chính thức cũng từng bước đi vào đời sống.
Có thể thấy, qua vận động, tuyên truyền, nhiều người dân đã nhận thức rõ về lợi ích khi BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình là chăm sóc toàn diện các vấn đề thiết thực trong cuộc sống như: được đảm bảo thu nhập và được cấp thẻ BHYT khi về già, luôn có được sự quan tâm, đồng hành của Đảng và Nhà nước thông qua các mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, phương thức đóng phí đơn giản, thuận tiện, được cán bộ BHXH, nhân viên tư vấn thu BHXH, BHYT tư vấn, hỗ trợ kịp thời khi cần thiết.
Thành Chung