Quang cảnh hội thảo
Sáng nay (18/3), trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023 tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn. Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng trên thế giới, thảo luận về những câu hỏi hóc búa mà trí tuệ nhân tạo đang đặt ra, từ đó có những giải pháp nhằm định hướng sáng tạo nội dung cho từng nhà báo và ở mỗi cơ quan báo chí hiện nay.
Chủ trì hội thảo có: ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; TS. Tạ Bích Loan - Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV3), Đài THVN; PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.
Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của một số diễn giả nhiều kinh nghiệm như: ThS. Trần Lệ Thùy, - Học giả nghiên cứu báo chí, Đại học Oxford, Giám đốc Công ty sáng kiến truyền thông và phát triển MDI; nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam; nhà báo Ngô Trần Thịnh - Đại diện nhóm nghiên cứu ứng dụng ChatGPT, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh; đại diện nhóm nghiên cứu của Bộ Thông tin và Truyền thông…
Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội
Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Trước bối cảnh đó, báo chí phải chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số.
Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu mở đầu hội thảo
Tại Hội thảo, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đặt vấn đề: Không chỉ nguy cơ AI tạo ra các thông tin sai lệch, ai sở hữu các bài viết do AI tạo ra? Ai chịu trách nhiệm với việc xuất bản các nội dung là sản phẩm của AI? Việc đối phó nội dung độc hại với báo chí sử dụng AI sẽ như thế nào?... . Đây đều là những câu hỏi phải tính tới.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng phân tích trí tuệ nhân tạo AI còn đe dọa nguồn thu của báo chí. Lâu nay các cơ quan báo chí cũng như các máy tìm kiếm dựa vào sự chú ý của người dùng đối với quảng cáo. Theo đó, người dùng gõ câu hỏi vào một công cụ tìm kiếm (tạo doanh thu quảng cáo bằng cách ưu tiên những đường link có tài trợ) trước khi chuyển sang website của bên thứ ba để đưa ra câu trả lời (những website này lại kiếm doanh thu thông qua quảng cáo của bên khác).
“Tuy nhiên, giờ đây, khi ChatGPT lướt toàn cõi mạng, đọc những đường link có nội dung liên quan rồi đóng gói câu trả lời trong một đoạn văn bản ngắn gọn, thử hỏi người dùng có lướt web nữa không?”, ông Minh nêu và cho rằng, điều này có thể dẫn đến một sự thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí, doanh nghiệp muốn quảng cáo và các máy tìm kiếm như Google.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, cần đầu tư vào AI trong báo chí, bởi “nếu có ai đó nói không cần đầu tư cho AI thì rất là tụt hậu”.
Ông chia sẻ, cách đây khoảng 4 năm, khi còn là Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, ông đã áp dụng AI trong hoạt động của Thông tấn xã Việt Nam. “Khi đưa ra hội nghị báo chí có người nói anh Minh nói chuyện xa xôi, còn lâu AI mới vào Việt Nam. Nhưng giờ các bạn thấy, như ChatGPT trên thế giới xảy ra thế nào thì Việt Nam có ngay chứ không phải đợi 5-7 năm như người ta nghĩ trước kia”, ông Minh phân tích.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, đầu tư cho AI không phải là mua một chatbot như ChatGPT để viết bài thay phóng viên. AI có nhiều ứng dụng khác nhằm hỗ trợ cho hoạt động của báo chí như việc nắm bắt hành vi người đọc, từ đó khuyến nghị nội dung theo hướng cá nhân hóa để lôi kéo, giữ chân độc giả.
“Hiện nay, đo đạc đánh giá các trang báo không chỉ là lượng truy cập mà đo bằng độ sâu của người đọc trên trang. Tức là người đọc ngồi trên trang càng nhiều thì càng tốt”, ông Minh chia sẻ và cho biết, báo Nhân Dân tự hào là trang có người đọc dùng nhiều thời gian trên trang nhất hiện nay.
Báo chí nên dùng công nghệ có lợi, phục vụ chúng ta chứ không hùa theo và phụ thuộc
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nêu quan điểm, sự xuất hiện của AI như ChatGPT cho báo chí cơ hội để loại dần đi các loại lao động, kỹ năng cơ bản mà máy móc có thể làm như con người, thậm chí làm tốt hơn. "Trí tuệ nhân tạo khiến chúng ta nhận ra đang phí sức, phí lực lượng như thế nào để tạo ra những sản phẩm báo chí giống nhau...", Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Thanh Lâm khuyến nghị các tòa soạn báo nên suy nghĩ về những thứ không nên làm vì đã trùng, cơ quan báo chí khác đã làm.
“Chúng ta nên dùng công nghệ để có lợi cho chúng ta, phục vụ chúng ta chứ không nên hùa theo xu hướng công nghệ mà có khi ta lại mất đi bản thể, giá trị cốt lõi, trở thành phụ thuộc thậm chí bị kiểm soát”, ông Nguyễn Thanh Lâm nói.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, năm nay Bộ TT&TT phải trình kế hoạch về sửa đổi Luật Báo chí, Bộ trưởng TT&TT đã đặt vấn đề rất lớn khi sửa luật: "Trước khi làm bất cứ kế hoạch nào phải trả lời được câu hỏi không gian của lĩnh vực này sẽ được mở rộng như thế nào. Ngày nay ta đã định nghĩa được nhà báo nhưng sau này AI viết được bài báo hay hơn cả nhà báo thì gọi là gì. Rồi thuật toán có phải báo chí hay không khi nó đang nắm hành vi, gợi ý cho độc giả...".
Từ những nghiên cứu trực tiếp, bà Trần Lệ Thùy, học giả nghiên cứu báo chí (Đại học Oxford), Giám đốc Công ty sáng kiến truyền thông và phát triển MDI, cho rằng, AI như ChatGPT có thể giúp nhà báo các ý tưởng viết bài, thậm chí viết những tin đơn giản. Tuy nhiên, bà Thùy nói, các thông tin, bằng chứng mà Chat GPT đưa ra cần phải được kiểm chứng, các chất liệu thực tế cũng cần tới nhà báo.
Bà Thùy cho biết, với những bài viết sâu như viết tường thuật hay viết bài theo cấu trúc kim cương vốn giúp tờ NewYork Times thu được phí người dùng trên nền tảng điện tử thì ChatGPT cũng chưa thể viết được.
Báo chí phải quay về những giá trị cốt lõi
Tồn tại của báo chí truyền thông xưa nay gắn liền với hai yếu tố là công nghệ và công chúng. Nhiều nghiên cứu cho rằng ngoại trừ quân sự, báo chí truyền thông là lĩnh vực chịu sự tác động mạnh mẽ của công nghệ. Cách đây 7 - 8 năm, đã có những cuộc trao đổi về việc liệu mạng xã hội có đánh dấu chấm hết cho các loại hình báo chí truyền thống hay không và đến nay là sự tồn tại của Chat GPT. Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, một điều may mắn là công chúng của báo chí là con người. Đó là điều quan trọng bởi dù công nghệ có phát triển đến đâu thì vẫn có một chỗ dựa cho báo chí là công chúng.
"Con người là một vũ trụ rất phức tạp, họ có nhiều mong muốn, yêu cầu và dễ thay đổi. Vì thế, điều báo chí lựa chọn làm là phục vụ công chúng một cách tốt nhất", PGS.TS Đặng Thị Thu Hương nói.
"Tuy nhiên, chúng ta cũng phải khẳng định với công chúng rằng mạng xã hội là khó kiểm định. Cuối cùng, công chúng vẫn phải quay về giá trị cốt lõi là tính chính xác của thông tin, giá trị đạo đức và nhân bản trong thông tin. Công chúng sẽ tự cân bằng giữa việc tìm đến mạng xã hội và trở về với báo chí...", PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Bùi Lộc