Việt Nam có thể được hưởng lợi từ các biện pháp phù hợp. Nếu thực hiện đúng, việc mở cửa đất nước trở lại an toàn sẽ không còn là hy vọng xa vời.
Tiêm phòng là ưu tiên hàng đầu để ngăn chặn đại dịch. Tới nay, đã có ít nhất 4,27 tỷ liều vắc-xin được tiêm. Tuy nhiên, tiến độ tiêm vắc-xin không được thực hiện đồng đều giữa các quốc gia.
Hoa Kỳ đã tiêm chủng đầy đủ cho một nửa dân số và 40% người châu Âu cũng đã được tiêm chủng. Vắc-xin có hiệu quả tốt, ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao, tỷ lệ người nhiễm phải vào bệnh viện chữa trị và tỷ lệ tử vong đã giảm mạnh. Với mức độ lây nhiễm giảm nhiều, việc mở cửa kinh tế có thể diễn ra nhanh chóng, các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, người tiêu dùng quay trở lại các trung tâm mua sắm và hoạt động kinh tế phục hồi. Ở các nền kinh tế tiên tiến, tăng trưởng được dự báo sẽ đạt gần 6% trong năm nay.
Tuy nhiên, với các nước có thu nhập thấp, việc mở cửa trở lại vẫn là một viễn cảnh xa vời.
Ở Việt Nam, tiến độ tiêm chủng đã có những tiến bộ ấn tượng, nhưng mới chỉ 7,5% dân số được tiêm ít nhất một mũi. Tỷ lệ này chưa đủ để kiểm soát dịch. Các nước tiên tiến đã nhanh chóng đặt hàng số lượng lớn vắc-xin và trả tiền trước cho các lô vắc-xin này. Còn đối với các nền kinh tế đang phát triển, chi phí vắc-xin cao chính là cản trở lớn cho tiến trình miễn dịch cộng đồng.
Khi nguồn cung cấp vắc-xin khan hiếm, sự lây lan của biến thể Delta với tỷ lệ lây nhiễm cao đang gây nên những tác động kinh khủng. Các cơ quan điều trị tích cực lại một lần nữa bị quá tải, số người tử vong tăng cao. Các thành phố lớn nhất của Việt Nam đã phải kéo dài các lệnh phong tỏa để hạn chế sự lây nhiễm. Một số bang ở Ấn Độ không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng các lệnh phong tỏa mới, trong khi kế hoạch mở cửa trở lại của Thái Lan đang bị nghi ngờ. Phải thú thật là thật khó để mở cửa lại nền kinh tế trong tình trạng như vậy. Do đó, tăng tốc tiêm chủng là ưu tiên hàng đầu.
Như các quan chức y tế từng tuyên bố, đại dịch sẽ không kết thúc ở bất cứ đâu cho đến khi nó kết thúc ở khắp mọi nơi. Các biến thể của virus có khả năng lây lan cao sẽ làm chệch hướng những nỗ lực đang diễn ra.
Hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp cần sự hỗ trợ khẩn cấp từ cộng đồng quốc tế để có thể mua được số lượng lớn vắc-xin. Các sáng kiến như tiếp cận toàn cầu vắc-xin Covid-19 (COVAX), Quỹ thu mua vắc-xin châu Phi và các chương trình tài trợ song phương điều phối lượng vắc-xin dư thừa sẽ vô cùng quan trọng.
Tính đến đầu tháng 8/2021, Việt Nam đã nhận được trên 16 triệu liều vắc-xin Covid-19 từ nhiều nguồn, bao gồm tài trợ song phương, sáng kiến COVAX và mua sắm của Chính phủ. Nguồn cung đang tăng mạnh, nhưng Việt Nam sẽ cần nhiều vắc-xin hơn nữa để có thể tiêm chủng đầy đủ cho lượng dân số trưởng thành của đất nước.
Cải thiện việc phân phối vắc-xin
Hiện thế giới đang sản xuất số lượng vắc-xin kỷ lục. Với tốc độ sản xuất hiện tại, khoảng 6 tỷ liều sẽ được cung cấp ra thị trường vào cuối năm 2021. Điều này là tuyệt vời, nhưng vẫn chưa đủ để bảo vệ toàn bộ dân số thế giới, đặc biệt nếu chúng ta cần phải “tiêm nhắc lại” (mũi tiêm thứ ba) để đạt được mục đích bảo vệ lâu dài.
Nếu cộng đồng quốc tế hỗ trợ quy mô lớn để tăng cường sản xuất, thì năm tới sẽ có đủ liều để tiêm chủng cho 60% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022, đủ điều kiện để các nước mở cửa trở lại.
Làm thế nào để có thể tiêm vắc-xin cho những người còn chưa được tiếp cận với vắc-xin là rất quan trọng. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước khác như thủ tục đăng ký tiêm phải dễ dàng, kể cả đối với những người không tiếp cận được với các công cụ kỹ thuật số; vận chuyển miễn phí người yếu, người già đến các trung tâm tiêm chủng, tổ chức thăm khám tận nơi để cung cấp thông tin, thiết lập các phòng tiêm chủng lưu động đi đến tận vùng sâu, vùng xa và thành lập các điểm tiêm chủng tạm thời ở các trung tâm thương mại và chợ trời.
Tình trạng do dự về có hay không tiêm vắc-xin của người dân cũng là vấn đề. Hiện nay, ở các nước tiên tiến chỉ có 70% người dân đồng ý tiêm chủng. Ở Ấn Độ, Nhật Bản và Nga, mức độ sẵn sàng tiêm chủng thậm chí còn thấp hơn. Vì sự chần chừ, các chiến dịch tiêm chủng thường chậm lại đáng kể, đặc biệt sau khi một nửa dân số đã được tiêm chủng.Nhưng sản xuất ra nhiều vắc-xin thôi thì vẫn chưa đủ, đôi khi vắc-xin đã không được sử dụng đúng thời điểm do quá hạn vì các khó khăn trong việc phân phối. Những thách thức về mặt hậu cần là rất lớn để mang vắc-xin đến những nơi cần thiết, chứ không phải chỉ đến được những tủ đông khổng lồ nhất lưu trữ liều lượng ở nhiệt độ cực thấp. Trong khi có nhiều trung tâm tiêm chủng đã được thiết lập ở các thành phố lớn và các vùng lân cận trù phú, việc tiếp cận người dân ở các vùng nông thôn và các khu dân cư nghèo lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Tại Việt Nam, mối quan tâm về tính an toàn của vắc-xin đã xuất hiện sau khi ghi nhận một số tác dụng phụ, chẳng hạn như tình trạng đông máu do tiêm vắc-xin gây ra do Adenovirus. Nhưng những trường hợp tử vong như vậy là cực kỳ hiếm. Thông tin sai lệch được lan truyền trên mạng xã hội có thể gây nhầm lẫn cho mọi người và dẫn đến thiệt hại về sinh mạng. Các chiến dịch thông tin công khai nên tìm cách thông báo và trấn an công chúng về mức độ rủi ro cũng như hiệu quả của các vắc-xin hiện có.
Hộ chiếu vắc-xin
Minh chứng về việc tiêm chủng đầy đủ đang trở thành công cụ chính để một số quốc gia có thể mở cửa lại một cách an toàn. Trong khi Việt Nam đang xem xét nới lỏng các quy định đối với du khách nước ngoài có hộ chiếu vắc-xin, thì quy định này chưa được xem xét đối với người dân trong nước.
Ở Pháp, hộ chiếu vắc-xin sẽ sớm được yêu cầu để ăn một bữa ăn trong nhà hàng, uống nước trong quán bar, tập trong phòng gym, ghé thăm một trung tâm mua sắm lớn và đi du lịch trong nước bằng tàu hỏa hoặc máy bay.
Đối với những người đã được tiêm chủng, các hạn chế sẽ được dỡ bỏ phần lớn, trong khi những người chưa được tiêm chủng sẽ phải chịu những hạn chế liên tục. Các hạn chế được dỡ bỏ đã tạo ra làn sóng đổ xô đến các trung tâm tiêm chủng để chích vắc-xin.
Tại Pháp, nhân viên y tế tại các bệnh viện, phòng khám và viện chăm sóc sức khỏe được tiêm phòng và test thường xuyên, nếu không, hợp đồng làm việc của họ sẽ bị đình chỉ.
Học theo Pháp, Hoa Kỳ đang xem xét tiêm chủng cho các nhân viên liên bang và các nhân viên chính phủ ở New York và California. Mặc dù việc tiêm vắc-xin có gây khó chịu cho một số nhóm, nhưng phần lớn được công chúng chấp nhận, đặc biệt là đối với những nhân viên tiếp xúc hàng ngày với công chúng và có nguy cơ bị nhiễm virus.
Chiến lược mở cửa lại một cách an toàn này giúp chúng ta có thể có được cuộc sống bình thường ngay cả khi virus chưa hoàn toàn biến mất. Cũng giống như bệnh cúm, cảm lạnh thông thường và HIV, chúng ta có thể không bao giờ loại bỏ được hoàn toàn Covid-19, do đó, chúng ta phải học cách sống chung với nó.
Các chiến lược “không khoan nhượng” đang được áp dụng ngày càng phổ biến ở Australia, Trung Quốc và New Zealand. Các quốc gia này đề ra mục tiêu ngăn chặn virus ngay tại các biên giới quốc tế đã đóng cửa. Ngay sau khi các ca nhiễm mới xuất hiện, các hạn chế mạnh mẽ đã được áp dụng, như phong tỏa thành phố, xét nghiệm đại trà, truy vết và kiểm dịch nghiêm ngặt.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả tạm thời, nhưng không quốc gia nào có thể mãi phong tỏa với phần còn lại của thế giới. Tại một số thời điểm, biên giới sẽ cần phải mở lại cho khách du lịch, doanh nhân và sinh viên. Nếu không có những biện pháp thích hợp, sẽ dẫn đến các làn sóng lây nhiễm mới. Chiến lược “không khoan nhượng” có thể không được thực hiện nghiêm ngặt trong một thời gian dài vì chúng ta cần mở lại công sở, trường học, nhà hàng, khách sạn và phòng hòa nhạc - tất cả đều cần thiết cho một cuộc sống bình thường.
Có thể mở cửa trở lại một cách an toàn với các chiến dịch tiêm chủng, thực hiện vệ sinh dịch tễ, thông tin minh bạch và hộ chiếu vắc-xin. Điều quan trọng là cộng đồng quốc tế phải giúp các nước nghèo đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao càng sớm càng tốt. Các quốc gia phải giúp công dân của nước mình được tiêm chủng, đặc biệt với những người sống ở vùng sâu, vùng xa, nghèo đói và dễ tổn thương.
Theo doanhnghiephoinhap.vn
Nguồn bài viết:
Link nội dung: //ids-ip.com/viet-nam-co-the-hoc-hoi-gi-tu-chien-luoc-chong-covid-19-va-mo-cua-lai-nen-kinh-te-tu-cac-quoc-gia-khac-a253004.html