Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định nhân viên Công ty Trường Sinh và mạng lưới người chăm bệnh là đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm SARS-CoV-2.
7 người dương tính, Công ty Trường Sinh có thể trở thành ổ dịch mới Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Việt Nam hiện có 100.000 bộ xét nghiệm nhanh và trong tuần tới sẽ mua thêm 100.000 bộ, không để thiếu sinh phẩm chẩn đoán.
Chiều 29/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với các sở y tế từ Hà Tĩnh trở ra và đầu cầu tuyến huyện. Sau khi xác định Bệnh viện Bạch Mai là ổ dịch, ngay lập tức, Bộ Y tế đã triển khai các biện pháp cần thiết để "hành động, giải quyết thật nhanh, khoanh vùng triệt để".
600 mẫu xét nghiệm đang đợi kết quả
Theo TS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hiện ở bệnh viện còn lại một số lượng rất nhỏ người nhà của những bệnh nhân nặng có nguy cơ tử vong, được kiểm soát tại khuôn viên riêng. Tổng số bệnh nhân đang nằm điều trị là 793, số bệnh nhân có thể ra viện 353, 137 có có khả năng chuyển tuyến, có 198 trường hợp nặng cần điều trị, không thể di chuyển nếu không có phương tiện hỗ trợ.
TS Dương Đức Hùng thông tin bệnh viện đã lấy mẫu tổng cộng 7.064, hiện chỉ còn 600 mẫu sẽ có kết quả trong ngày hôm nay. Hiện tại, các ca dương tính mới đều tập trung tại Công ty Trường Sinh. Ngoài 2 điều dưỡng, bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp nào là nhân viên y tế mắc Covid-19.
Ông cho biết hiện Bệnh viện Bạch Mai đối diện nhiều khó khăn. Sau khi UBND Hà Nội yêu cầu bệnh viện phải cách ly, toàn bộ nhân viên tập trung tại chỗ. Nhân viên không được ra khỏi nhà. Điều này gây khó khăn cho công việc tại viện, nhất là trong những ngày tới, cần tăng cường thêm người.
Khó khăn thứ 2 là vấn đề dinh dưỡng. Khu nhà ăn của bệnh viện đã bị phong tỏa. Hiện tại, một số đơn vị cung cấp suất ăn cho nhân viên nhưng không đảm bảo về lâu dài. Bệnh viện đang tìm kiếm giải pháp nhưng chưa giải quyết ngay được vấn đề này.
Khó khăn thứ 3, ông Hùng đặt câu hỏi thời hạn cách ly dịch tễ là bao nhiêu ngày? Theo lãnh đạo bệnh viện, thời gian 28 ngày sẽ "vô cùng khó khăn và mệt mỏi". Ngoài ra, ông Hùng kiến nghị được sử dụng khách sạn Mường Thanh để nhân viên, đặc biệt nhân viên trực liên tục ở khu hồi sức có thời gian nghỉ.
Để đảm bảo hoạt động của bệnh viện trong thời gian tới, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất: "Chúng tôi đề nghị cho nhân viên được ra khỏi nhà, đến bệnh viện. Khi đã đi sẽ không về nhà, ở lại bệnh viện".
Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho hay thực hiện chỉ đạo Bộ Y tế, UBND Hà Nội tổ chức cách ly, khoanh vùng Bệnh viện Bạch Mai. Khi triển khai, Sở Y tế cùng UBND quận Đống Đa và GS Ngô Quý Châu, quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, thống nhất thực hiện. Tuy nhiên, ông Hạnh cho biết trường hợp Bệnh viện Bạch Mai có ý kiến về các khó khăn, cơ quan chức năng sẽ phối hợp giải quyết.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết trong tối 28/3, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển 631 người nhà bệnh nhân lên khu cách ly tập trung tại FPT Hòa Lạc. Từ 10-26/3, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển 106 bệnh nhân sang 26 bệnh viện ở Hà Nội. Sở Y tế đang yêu cầu bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm. Hà Nội cũng có 1.592 bệnh nhân được Bệnh viện Bạch Mai cho xuất viện. Hiện 1.243 trường hợp đã được rà soát, trong đó 591 mẫu được lấy mẫu, đang chờ kết quả.
Giám sát chặt nhân viên Công ty Trường Sinh
Bộ Y tế nhận định có 7 nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, cần rà soát kỹ.
Nhóm 1, tất cả bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch mai được chuyển về nhà hoặc chuyển về ở các tuyến. Hiện nay, số người này là hơn 5.000.
Nhóm 2, đối tượng có nguy cơ "cực kỳ cao" là người nhà bệnh nhân. Đây là những người thường xuyên đến và giao lưu ở căng tin.
Nhóm 3 là cán bộ nhân viên y tế. Đặc biệt, người có nguy cơ hơn là từng đến căng tin và từng tiếp xúc người bệnh. Trong đó, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai có tiếp xúc với bệnh nhân hiện tại đều được xác định âm tính.
Nhóm 4, tất cả người đã học, thực tập hoặc trao đổi về mặt chuyên môn từ ngày 12/3 trở lại đây.
Nhóm 5 là những người phục vụ trong bệnh viện có giao lưu đi lại, người vào thăm bệnh nhân.
Nhóm 6 là nhân viên Công ty Trường Sinh.
Nhóm 7 là mạng lưới chăm sóc bệnh nhân. Mạng lưới này rất lớn, dự kiến khoảng 800 người.
Đặc biệt, khu vực nhà ăn được xem là ổ truyền nhiễm nguy hiểm. Trước đây, các khoa C4, Tim mạch, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, ghi nhận ca mắc, ngay lập tức đều đã được nhanh chóng khoanh lại, không chuyển bất cứ bệnh nhân nào ra ngoài. Ổ truyền nhiễm tại khu vực nhà ăn có yếu tố lan tỏa hơn rất nhiều.
Đặc biệt, Công ty Trường Sinh không những chỉ cung cấp cho Bệnh viện Bạch Mai mà còn nhiều bệnh viện khác. Bộ y tế nhận định Công ty Trường Sinh là mối nguy cơ rất lớn, có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp khác. Hiện tại, 7 nhân viên Công ty Trường sinh mắc bệnh.
"Chúng tôi đã đề nghị giám sát thật chặt nhóm này và Công ty Trường Sinh. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc sớm", lãnh đạo Bộ Y tế nhận định.
Tới ngày 29/3, Việt Nam ghi nhận thêm 5 ca mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 của Việt Nam lên 179. Trong đó, 16 ca liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Nơi đây được xác định là ổ dịch lớn nhất, nguy hiểm nhất của Việt Nam. Sáng nay, thành phố đã chuyển 613 người nhà của bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai đi cách ly tập trung tại Ký túc xá Đại học FPT và đã có quyết định cách ly toàn bộ 1.592 trường hợp khám, chữa tại bệnh viện đã được trả về Hà Nội.
Theo
Nguồn bài viết:
Link nội dung: //ids-ip.com/7-nhom-co-nguy-co-cao-mac-covid-19-tai-benh-vien-bach-mai-a231197.html