Nhiều đệ nhất phu nhân, đệ nhất phu quân trên thế giới cũng tài năng và được yêu mến không kém gì “một nửa còn lại” của mình đang đảm đương vị trí lãnh đạo đất nước.
Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang phải đối mặt với những phản đối kịch liệt với ý định bổ nhiệm vợ mình vào vị trí đệ nhất phu nhân - một vị trí vốn không hề có quy định trong hiến pháp của Pháp. Không nhiều nước lập ra một “danh phận” trong chính phủ cho vợ, chồng của các nhà lãnh đạo. Thế nhưng điều đó cũng không ngăn được họ để lại dấu ấn riêng hay trở thành người cố vấn đắc lực cho “nửa kia” của đời mình.
Nữ chủ nhân Nhà Trắng
Mỹ là một trong số ít những quốc gia mà đệ nhất phu nhân là một chức danh chính thức của chính phủ. Đệ nhất phu nhân Mỹ có nhân viên và văn phòng riêng trong Nhà Trắng. Có lẽ cũng chính vì vai trò quan trọng này mà Mỹ cũng là quốc gia có nhiều đệ nhất phu nhân nổi tiếng, bản lĩnh và tỏa sáng không thua kém các đức lang quân.
Nhắc đến đệ nhất phu nhân Michelle Obama, người ta không chỉ nhớ đến bà với cương vị là phu nhân của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama mà còn với tư cách là một nhà hoạt động xã hội tài giỏi và sắc sảo. Kể từ lúc bước chân vào Nhà Trắng, bà Michelle đã tập trung cho những lĩnh vực yêu thích như giáo dục trẻ em gái và xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh. Bà đã khởi xướng chương trình thúc đẩy vận động cho người trẻ để chống “đại nạn” béo phì, lập một khu vườn trong Nhà Trắng và trở thành một tấm gương của nếp sống lành mạnh.
Bà Michelle cũng được xem là một biểu tượng thời trang với phong cách ăn mặc vừa nữ tính vừa quyền lực. Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ không bó mình trong cái bóng của Tổng thống Barack Obama. Dù là sát cánh bên chồng hay trong những hoạt động riêng, bà Michelle vẫn thu hút sự chú ý đặc biệt của thế giới. Bà đi đầu đấu tranh cho nữ quyền, cộng đồng LGBT, tham gia các chương trình giúp đỡ người nghèo, gia đình cựu chiến binh và phát huy biệt tài diễn thuyết xuất sắc chẳng kém chồng mình.
Ngoài bà Michelle Obama, các đệ nhất phu nhân Mỹ tiền nhiệm như đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy, đệ nhất phu nhân Rosalynn Carter… cũng là những nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn không kém các đời tổng thống. Cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton còn có cả một văn phòng riêng ở cánh Tây của Nhà Trắng, một việc chưa từng có tiền lệ đối với các đệ nhất phu nhân, để giúp đỡ phu quân là Tổng thống Bill Clinton trong các vấn đề “trị quốc”.
Không vị thế, vẫn bản lĩnh
Có thể thấy trên thế giới hiện nay, hình mẫu về những đệ nhất phu nhân chủ động và bản lĩnh để làm hậu phương vững chắc cho chồng ngày càng xuất hiện nhiều hơn, kể cả khi họ không có một “danh phận” trong chính phủ.
Trái với hình mẫu “trầm lặng” kinh điển, bà Akie Abe, phu nhân của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, quyết tâm từ bỏ khuôn mẫu người vợ hiền thảo và “sử dụng đầu óc để nói ra suy nghĩ cá nhân” của mình thay vì mù quáng chấp nhận mọi thứ. Bà Akie Abe thường xuyên đăng những bức ảnh đời thường của vợ chồng bà lên mạng xã hội, không ngại ngùng nắm tay ông Abe giữa chốn đông người, thậm chí dám công khai việc mình không thể sinh con. Phu nhân Abe thậm chí còn được mệnh danh là “phe đối lập tại gia”của ông Abe vì thẳng thắn phản đối một số chính sách năng lượng hạt nhân của chồng. Bà Akie cũng là người tiên phong trong một số hoạt động như viếng thăm Trân Châu Cảng, nơi mà chưa phu nhân thủ tướng Nhật Bản nào đặt chân đến trước đó, để tưởng niệm các nạn nhân của phát xít Nhật trong trận chiến lịch sử.
Ở nước láng giềng của Nhật Bản, tân đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Jung-sook cũng đang là tâm điểm báo chí với những nỗ lực hỗ trợ ông Moon Jae-in trong chiến dịch tranh cử vừa qua. Giới quan sát nhận định bà Kim đã góp phần lớn vào chiến thắng của ông Moon nhờ thường xuyên lui tới những khu vực mà chồng mình chưa nhận được ủng hộ cao, gặp gỡ và trò chuyện cử tri. Bà Kim được xem là một phụ nữ mạnh mẽ, dám “ngưọc dòng” trong một xã hội đề cao nam quyền như Hàn Quốc. Bà sẵn sàng góp ý“gay gắt”đối vớ chồmg về nhiều vấn đề. Tổng thống Moon tự hào kể rằng vợ ông chính là người bạn đồng hành, người ủng hộ kiêm cố vấn tuyệt vời nhất trong suốt sự nghiệp chính trị của mình.
Hậu phương thầm lặng
Trên thế giới cũng có không ít phu nhân hay phu quân của những nguyên thủ hay nhà lãnh đạo nổi tiếng chọn tránh xa truyền thông.
Điển hình như ông Joachim Sauer, phu quân của Thủ tướng Đức Angela Merkel, nổi tiếng là người sống khép kín và tránh xa những nghi thức ngoại giao đình đám. Ông gần như không tham dự các sự kiện chính trị, ngoại giao lớn của nước Đức và thế giới trong gần 12 năm âm thầm dõi theo vợ mình lèo lái nước Đức. Thậm chí khi bà Merkel tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 11-2005 để trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Đức, ông Sauer cũng chỉ lặng lẽ xem buổi lễ qua tivi và chúc mừng vợ qua điện thoại. Điều đáng nói là tài năng của ông Sauer thì không phải bàn cãi. Ông là một trong 30 nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới ở lĩnh vực hóa học lượng tử và hiện là giáo sư hóa học tại Trường Humboldt của Đức. Tuy sống kín tiếng nhưng ông lại là cố vấn bà Merkel tin cậy bậc nhất trong các vấn đề chính trị. Bà Merkel cũng từng thổ lộ rằng mình vô cùng may mắn khi gặp được ông Sauer và thành công hôm nay bà đạt được phần lớn là nhờ sự hậu thuẫn hết lòng của chồng.
Tương tự ông Sauer, phu quân Philip May của nữ Thủ tướng Anh Theresa May cũng là người khá kín tiếng trước truyền thông. Ông đạt được thành công lớn trong lĩnh vực tài chính và là hậu phương vững chắc cho vợ trong suốt chặng đường phấn đấu đến vị trí người đứng đầu chính phủ Anh. “Sự hỗ trợ của ông ấy rất quan trọng đối với tôi. Ông ấy như tảng đá vững chắc chống đỡ tôi” - bà Theresa May nói với hãng tin BBC.
Trước khi ly hôn với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2013, cựu đệ nhất phu nhân Nga Lyudmila Putin cũng là người luôn tránh sự chú ý của phương tiện truyền thông. Bà Lyudmila dành phần lớn thời gian cho việc chăm sóc gia đình để chồng có thời gian lo cho công việc chính trị. Cuộc hôn nhân của hai vợ chồng ông Putin kết thúc sau 30 năm chung sống với lý do bà Lyudmila cảm thấy không thể tiếp tục thích nghi với công việc chính trị căng thẳng và tiếp xúc quá nhiều với công chúng của chồng.
Pháp chưa sẵn sàng cho đệ nhất phu nhân?
Hơn 160.000 người Pháp đã ký vào đơn kiến nghị trên website change.org để phản đối việc vợ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được trao chức danh chính thức đệ nhất phu nhân. Theo hãng tin AFP, hiến pháp Pháp không quy định vợ của tổng thống có chức danh đệ nhất phu nhân. Tuy nhiên, tổng thống có thể tự quyết định vị trí này. Phu nhân tổng thống được phép có văn phòng, phụ tá và nhân viên an ninh riêng. Chi phí phục vụ này khoảng 530.000 USD/năm và được dinh tổng thống chi trả.
Hồi tranh cử, ông Macron đã hứa sẽ làm rõ vai trò của vợ bằng cách trao cho bà vị trí đệ nhất phu nhân. Tuy nhiên, ông cũng hứa sẽ không dùng công quỹ trả lương cho bà. Kế hoạch này bị cánh tả kịch liệt phản đối, viện cớ Pháp sắp thông qua đạo luật cấm nghị sĩ thuê các thành viên gia đình làm trợ lý. Cùng với những kiến nghị này, tỉ lệ tín nhiệm dành cho ông Macron cũng bắt đầu sụt giảm. Các cuộc thăm dò hồi tháng trước cho thấy tỉ lệ hài lòng của người Pháp dành cho tổng thống chỉ ở mức 36%, thấp hơn hai người tiền nhiệm trước đó là ông François Hollande và Nicolas Sarkozy lần lượt là 56% và 66% trong cùng thời điểm.
Theo PLO
Link nội dung: //ids-ip.com/hau-phuong-quyen-luc-cua-cac-nha-lanh-dao-a169487.html