(Pháp lý) – Từ công tác điều tra, truy tố, xét xử cho thấy, thiệt hại tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua luôn là những con số “khủng”, lên tới hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Song, với số tiền bất chính lớn như vậy, các đối tượng làm thế nào để có thể che dấu, hợp thức hoá “tiền bẩn” thành tiền sạch? Đây luôn là câu hỏi nhức nhối được dư luận cũng như các cơ quan chức năng đặt ra trong mỗi vụ án để truy vết được đường đi của “tiền bẩn” và thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án.
Nghiên cứu từ thực tế những vụ án kinh tế tham nhũng, có thể thấy các đối tượng tội phạm đã sử dụng rất nhiều chiêu thức, thủ đoạn và ngày càng tinh vi, xảo quyệt để quan mặt các cơ quan chức năng nhằm hợp thức hoá, biến “tiền bẩn” thành tiền sạch, tẩu tán tài sản do phạm tội mà có. Thủ đoạn xoá dấu vết, rửa tiền bẩn tinh vi nhất phải kể đến là trong “đại án” xảy ra ở ngân hàng BIDV của cha con Trần Bắc Hà và các đồng phạm gây thiệt hại 1.700 tỷ đồng hiện đang được TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm.
Vụ Giang Kim Đạt và vụ Phan Sào Nam: Rửa tiền thông qua việc mua nhà lầu, xe hơi, chuyển cho người thân gửi tiết kiệm.
Trong “đại án” tham nhũng xảy ra ở Vinashin, để che dấu hàng chục triệu USD tiền tham nhũng, Giang Kim Đạt đã nhờ cha (Giang Văn Hiển) mở nhiều tài khoản ngân hàng, để nhận tiền từ nước ngoài chuyển về, mua 40 biệt thự, căn hộ cao cấp, ôtô đắt tiền và đất đai ở những vị trí vàng tại nhiều khu đô thị lớn và cả ở nước ngoài.
Theo hồ sơ vụ án, quá trình thực hiện dự án mua tàu, kinh doanh cho thuê tàu biển, Trần Văn Liêm (Tổng Giám đốc) đã giao cho Giang Kim Đạt tìm kiếm, giao dịch, thỏa thuận với công ty bán tàu, công ty môi giới, yêu cầu trích lại hoa hồng từ 1% đến 5,7% giá trị hợp đồng. Từ đó, Đạt đã thông qua thư điện tử, điện thoại cá nhân để thỏa thuận, đàm phán với đối tác của Vinashinlines về tiền hoa hồng, giá cước khi thực hiện các hợp đồng mua, cho thuê tàu.
Trong thời gian từ tháng 5-2006 đến tháng 6-2008, Giang Kim Đạt đã thông qua các công ty môi giới để đàm phán với các chủ tàu gửi giá cước cho thuê đối với 9 con tàu để chiếm đoạt tiền chênh lệch. Khoản tiền kếch xù thu được từ việc cho thuê 9 con tàu này được chuyển về tài khoản của cha ruột Giang Kim Đạt là 249 tỷ đồng.
Để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng về nguồn gốc bất hợp pháp của số tiền do phạm tội mà có, Giang Kim Đạt đã nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiển đứng tên mở tài khoản ngân hàng chuyên để nhận tiền từ các phi vụ làm ăn này.
Giang Văn Hiển đã trực tiếp mở 22 tài khoản ngoại tệ (USD, SGD) tại 4 ngân hàng trong nước và các công ty nước ngoài đã 92 lần chuyển khoản vào các tài khoản trên của ông Hiển tổng cộng 15 triệu USD, tương đương hơn 260 tỷ đồng. Sau khi tiền về tài khoản, Giang Văn Hiển rút tiền mặt đưa cho con trai để ăn chia với Liêm, Khương như thỏa thuận. Đạt chuyển cho Liêm tổng cộng 3 tỉ đồng, Khương 1,7 tỉ đồng còn hơn 255 tỉ đồng Đạt bỏ túi.
Số tiền trên được cha con Đạt mua 40 bất động sản gồm nhà, đất và mua đi bán lại 13 ôtô do Giang Văn Hiển, Nguyễn Thị Ngân và những người thân trong gia đình Đạt đứng tên. Giang Kim Đạt cũng đứng tên mua một căn hộ trị giá 3,6 triệu đô la tại Singapore.
Cũng chiêu thức tương tự, trong vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng của Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam, với khoản tiền bất chính từ hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến, Phan Sào Nam đã chuyển cho người thân, bạn bè gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn vào các dự án, mua bất động sản. Phan Sào Nam đã chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền cho dì ruột là bà Phan Thu Hương (sinh năm 1961, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) hơn 236 tỷ đồng. Bà Hương sử dụng tiền mua mảnh đất gần 1.000 m2 tại quận 7, TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Nam gửi 3,5 triệu USD ở ngân hàng tại Singapore, gửi một người bạn ở Quảng Ninh cất giữ gần 150 tỷ đồng cùng số ngoại tệ và vàng trị giá 142 tỷ đồng; nhờ một người ở TP Hồ Chí Minh gửi tiết kiệm 101 tỷ đồng và đứng tên mua 11 căn hộ có giá trị hợp đồng gần 112 tỷ đồng, mua bốn căn hộ trị giá gần 39 tỷ đồng. Còn hơn 530 tỷ đồng Nam chuyển cho một số người khác cất giữ.
Trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng, ngoài việc sử dụng tiền bất chính vào việc mua nhà lầu, xe hơi, chuyển cho người thân, bạn bè gửi tiết kiệm, Phan Sào Nam đầu tư góp vốn vào Công ty Vịnh Hạ Xanh Hạ Long, Công ty Ấn tượng Hạ Long, Công ty Bitpro, Công ty Fintech…
Còn Nguyễn Văn Dương, sau khi thu lời bất chính 1.655 tỷ đồng, để hợp thức hóa hàng nghìn tỷ tiền lời bất chính từ tổ chức đánh bạc qua mạng, Dương lập các công ty "ma" để quay vòng tiền, nâng khống vốn và đầu tư vào dự án BOT và lập nhiều công ty để nâng khống vốn Công ty UDIC. Dương nhờ người thân đứng tên lập ba công ty để ký giao khoán hợp đồng tổng giá trị 530 tỷ đồng. Để rửa tiền, Dương còn có 33 lần góp 330 tỷ đồng vào BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.
Vụ Nhật Cường: Rửa tiền qua các công ty “bình phong”.
Thủ đoạn tinh vi hơn, các đối tượng lợi dụng chính sách khuyến đầu tư kinh doanh của nhà nước, các đối tượng đã sử dụng tiền bẩn có được từ hành vi phạm tội góp vốn, thành lập công ty “bình phong” dưới vỏ bọc doanh nhân đầu tư vào các dự án nhằm hợp thức hoá tài sản… như trong vụ án Nhật Cường.
Theo đó, trong quá trình điều tra vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường (Nhật Cường), Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software), bước đầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phát hiện ra nhiều tình tiết lắt léo, như: Công ty Nhật Cường sử dụng các khoản tiền từ buôn lậu để phục vụ cho hoạt động của Nhật Cường Software.
Kết quả điều tra xác định cả hai công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software hoạt động chủ yếu trên các nguồn tiền bất hợp pháp. Ngày 9/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 12/C03-P14, Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can số 21/C03-P14 và Lệnh khám xét số 114/C03-P14 đối với bị can Bùi Quang Huy về tội “Rửa tiền” theo khoản 3 Điều 324 Bộ luật hình sự.
Trong vụ Nhật Cường, các đối tượng có thủ đoạn tinh vi hơn, lợi dụng chính sách khuyến đầu tư kinh doanh của nhà nước, các đối tượng đã sử dụng tiền bẩn có được từ hành vi phạm tội góp vốn, thành lập công ty “bình phong” dưới vỏ bọc doanh nhân đầu tư vào các dự án nhằm hợp thức hoá tài sản…
Chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư “núp bóng”
Thủ đoạn xoá dấu vết, rửa tiền bẩn tinh vi nhất phải kể đến là trong “đại án” ngân hàng BIDV của cha con Trần Bắc Hà và các đồng phạm gây thiệt hại 1.700 tỷ đồng hiện đang được TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định BIDV phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà khi mới thành lập, chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa có báo cáo tài chính, chưa đủ điều kiện để xếp hạng tín dụng…, gây thất thoát hơn 799 tỉ đồng.
Tập đoàn An Phú do Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà) là tổng giám đốc và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được ông Hà giới thiệu để làm dự án chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh.
Theo quy định, BIDV không được cấp tín dụng cho liên danh này. Để lách luật, ông Hà chủ trương thành lập Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà gồm ba cổ đông: Trần Anh Quang (cháu họ ông Hà và là tài xế cho Tùng), Thái Thành Vinh (bạn của Tùng) và Đinh Văn Dũng (do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giới thiệu).
Từ 2015-2018, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo các thuộc cấp tại BIDV giải ngân cho Công ty Bình Hà vay hơn 2.600 tỉ đồng với các ưu đãi về vốn tự có và tài sản bảo đảm.
Trên thực tế, Trần Duy Tùng là người trực tiếp điều hành mọi hoạt động của công ty. Theo sự chỉ đạo của Tùng, các bị cáo tại Công ty Bình Hà sau khi nhận tiền bán bò thay vì đưa về tài khoản của công ty để BIDV quản lý thì lại chiếm đoạt bằng việc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.
Tiếp đó, các cá nhân này sử dụng để nộp tiền góp vốn, chứng minh vốn đối ứng với BIDV để tiếp tục được giải ngân. Các bị cáo chiếm đoạt hơn 149 tỉ đồng tiền bán bò.
Cơ quan điều tra, xác định Tập đoàn An Phú xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài thành lập liên doanh là Công ty SHH Viêng Chăn để thực hiện góp vốn vào LaoVietBank (Lào).
Việc này nhằm hợp thức hóa số tiền 10,4 triệu USD tiền mặt mà Tùng và Vinh đầu tư trái phép sang Lào, nộp gửi tiết kiệm tại LaoVietBank năm 2013, sau đó dùng để góp vốn vào LaoVietBank cho Công ty SHH Viêng Chăn.
Hành vi nộp trái phép 10,4 triệu USD của Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh được cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu của tội "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" hoặc "rửa tiền. Tuy nhiên, do Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh đang bỏ trốn, chưa thể ghi lời khai để làm rõ nguồn tiền 10,4 triệu USD. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tách vụ án với các hành vi có dấu hiệu của tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, rửa tiền để điều tra, khi nào bắt được hai bị can trên công an sẽ điều tra làm rõ sau.
Ngoài các vụ án nêu trên, thông qua hoạt động điều tra, xét xử nhiều vụ án khác thời gian qua cho thấy thiệt hại gây ra cho cá nhân, tổ chức doanh nghiệp cũng như nhà nước là vô cùng lớn. Trong đó, nhiều vụ tài sản bị chiếm đoạt, tham ô lên tới hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền, tài sản được các đối tượng chủ yếu sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân mua sắm nhiều bất động sản, ô tô sang, hàng hiệu…, góp vốn đầu tư vào các doanh nghiêp, làm từ thiện… sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp thức nguồn “tiền bẩn” thu được từ các hoạt động tội phạm hòng che dấu, tẩu tán tài sản.
Thay lời kết
Thiết nghĩ, với thủ đoạn tinh vi của tội phạm kinh tế, tham nhũng hiên nay, cơ quan chức năng đang ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc xác định nguồn tiền, tài sản của các đối tượng phạm tội được “rửa” để thu hồi. Điều đáng lo là hiện nay, các phương thức rửa tiền sẽ ngày càng trở nên kín kẽ, phức tạp hơn với sự xuất hiện của các loại tiền ảo, các hình thức game đánh bạc trực tuyến…, càng khiến cho hoạt động rửa tiền trở nên khó kiểm soát.
Với sự ra đời của Luật Phòng chống rửa tiền 2013, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các quy định về thuế, kiểm soát tài sản phục vụ công tác phòng chống rửa tiền, Việt Nam có khá đầy đủ khuôn khổ pháp lý để cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm này. Tuy nhiên, trong thời gian tới, vẫn cần tiếp tục hoạt thiện các quy định trước bối cảnh nền kinh tế số, công nghệ số; Đề xuất tiếp tục tăng các chế tài xử phạt nhằm tạo sức răn đe…
Ngoài ra, để hoạt động chống rửa tiền đạt được hiệu quả cao hơn, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các bên liên quan cũng như khuyến khích việc tố giác, tố cáo và cung cấp thông tin từ quần chúng nhân dân.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng cần chủ động, tích cực hơn trong hoạt động phối hợp cung cấp thông tin và tổ chức triển khai các giải pháp, chú trọng nâng cao trình độ năng lực, kiến thức về phòng, chống rửa tiền cho cán bộ làm công tác chuyên trách không chỉ trong ngành Công an mà cả ngành Ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử… qua đó có thể công khai và kiểm soát được các giao dịch đáng ngờ, phục vụ hiệu quả cho công tác phòng chống rửa tiền.
Thủ đoạn xoá dấu vết, rửa tiền bẩn tinh vi nhất phải kể đến là trong “đại án” ngân hàng BIDV của cha con Trần Bắc Hà và các đồng phạm gây thiệt hại 1.700 tỷ đồng hiện đang được TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm.
Cơ quan điều tra, xác định Tập đoàn An Phú xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài thành lập liên doanh là Công ty SHH Viêng Chăn để thực hiện góp vốn vào LaoVietBank (Lào). Việc này nhằm hợp thức hóa số tiền 10,4 triệu USD tiền mặt mà Tùng và Vinh đầu tư trái phép sang Lào, nộp gửi tiết kiệm tại LaoVietBank năm 2013, sau đó dùng để góp vốn vào LaoVietBank cho Công ty SHH Viêng Chăn. Hành vi nộp trái phép 10,4 triệu USD của Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh được cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu của tội "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" hoặc "rửa tiền.
Văn Chiến