(Pháp lý) – Liên quan đến ổ dịch phường Thanh Xuân Trung, nhiều chuyên gia y tế đánh giá khả năng lây nhiễm tại chùm ca bệnh tại đây còn rất cao, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới trong thời gian tới đây. Do đó, chính quyền Hà Nội và Thanh Xuân cần áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để dập dịch.
Ổ dịch Thanh Xuân Trung đang là điểm “nóng” của Hà Nội…
Chỉ sau 3 ngày kể từ ngày phát hiện các ca nhiễm đầu tiên, ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã ghi nhận tới 73 bệnh nhân Covid-19. Ngành y tế thành phố đánh giá đây là một trong những ổ dịch “nóng” nhất tại thời điểm hiện nay.
2 ca bệnh đầu tiên trong chuỗi lây nhiễm này được Sở Y tế Hà Nội công bố sáng ngày 23/8 là mẹ-con, ở địa chỉ ngõ 330 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung. Chiều 22/8, các bệnh nhân đến test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh, phát hiện dương tính. Mẫu bệnh phẩm sau đó được xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp PCR, cho kết quả tương tự.
Tối cùng ngày, Hà Nội công bố 1 ca bệnh khác ở phường Thanh Xuân Trung, cũng qua sàng lọc ho sốt cộng đồng. Người này trú tại số 17, ngõ 63 Vũ Trọng Phụng. Bệnh nhân xuất hiện sốt ngày 22/8, đến ngày 23/8 chủ động đi xét nghiệm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội, kết quả dương tính.
Đến ngày 24/8, phường Thanh Xuân Trung ghi nhận thêm 18 ca Covid-19, trong đó 17 bệnh nhân trú tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, 1 ca ở số 332 Nguyễn Trãi.
Ngày 25/8, Sở Y tế thành phố tiếp tục công bố 52 ca dương tính thuộc địa bàn phường này, gồm: 22 ca tại ngõ 330 Nguyễn Trãi, 25 trường hợp tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, 2 bệnh nhân tại ngõ 326 Nguyễn Trãi, 1 ca tại số 332 Nguyễn Trãi, 1 trường hợp tại số 5 Nguyễn Trãi và 1 ca tại tòa 47 Vũ Trọng Phụng.
Như vậy, tính từ ngày 23/8 đến tối 26/8, khu vực này đã ghi nhận 110 ca F0, trong đó tập chung chủ yếu tại ngõ 328 Nguyễn Trãi với 65 ca F0. Dự kiến còn có thể tăng thêm khi có thêm kết quả xét nghiệm người dân trong khu vực.
Ngoài ra, Hà Nội cũng phát hiện một số trường hợp dương tính khác trên các địa bàn lân cận có liên quan ổ dịch Thanh Xuân Trung như ca bệnh ở ngõ 358/55 Bùi Xương Trạch (Khương Đình, Thanh Xuân) là nhân viên cửa hàng bánh 334 Nguyễn Trãi hay trường hợp ở ngõ 39 Tân Triều (Thanh Trì) là nhân viên quầy thuốc trong ngõ 328 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung.
Chuyên gia khuyến nghị nhiều giải pháp dập dịch
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Pháp lý, PGS TS Nguyễn Viết Nhung (Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương) khẳng định chúng ta vẫn phải áp dụng các biện pháp can thiệp phòng, chống dịch mạnh mẽ như đã và đang làm ở các địa phương khác, cụ thể:
Thứ nhất, chúng ta phải nhanh chóng xác định được tất cả các trường hợp đã nhiễm và nguy cơ bị lây nhiễm trong khu vực Thanh Xuân Trung. Muốn phát hiện được hết thì phải khoanh vùng để xét nghiệm tổng thể, vì thực tế cho thấy chỉ sau 3 ngày đã phát hiện ra 73 trường hợp nhiễm COVID-19, điều này chứng tỏ tại đây đã trải qua vài chu kỳ lây nhiễm với tốc độ lan tỏa rất rộng và sâu, toàn bộ khu vực này đang có nguy cơ rất lớn.
Thứ hai, khi phát hiện được các trường F0 và F1 cần cách ly ngay, tức là “bóc tách” ra khỏi cộng đồng, nhưng phải hiểu bóc tách ra khỏi cộng đồng cho đúng. Theo PGS TS Nguyễn Viết Nhung, việc tách F0 ra khỏi cộng đồng không chỉ có nghĩa là đưa người dân đi ra chỗ khác, khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, mà còn có thể để người dân tự cách ly trong cộng đồng ngay tại một phòng cách ly riêng biệt của nhà mình nếu đủ điều kiện.
Ông cho rằng Hà Nội nên thí điểm mô hình tự cách ly tại nhà để chủ động giảm tải áp lực hệ thống y tế. Ngoài điều kiện tuân thủ tốt cách ly của người F1 hoặc F0, điều kiện phòng riêng khép kín riêng biệt, người trợ giúp chăm sóc trong gia đình thì vấn đề giám sát của y tế địa phương hoặc tổ COVID cộng đồng vừa giám sát chất lượng cách ly vừa tư vấn theo dõi sức khỏe và kết nối y tế khi người bệnh chuyển nặng sẽ rất hiệu quả.
Thứ ba, về phần xét nghiệm, PGS TS Nguyễn Viết Nhung khuyến cáo Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác cũng cần phải tiến thành “phân quyền” xét nghiệm cho người dân trong thời gian tới như một số tỉnh phía Nam. Theo ông, các xét nghiệm kháng nguyên nhanh do Bộ Y tế khuyến cáo cần được người dân tiếp cận một cách hợp lý và hiệu quả. Việc tự lấy mẫu và tự xét nghiệm hoàn toàn khả thi vì không khó, có thể làm theo video hướng dẫn. Phương pháp này có nhiều lợi ích, đầu tiên là cho người dân chủ động trong việc phát hiện khi cảm thấy có nguy cơ, tăng tính tự giác và cảnh giác với dịch, tất nhiên người dân phải biết khi có nguy cơ thì xét nghiệm âm tính vẫn phải tự cách ly theo dõi, vì âm tính hôm nay nhưng có thể dương tính hôm sau trong vòng 14 ngày, hay ít nhất là trong vòng 7 ngày.
Tiếp đến là rất lợi cho hệ thống giám sát dịch, vừa giảm nhân công vừa giảm ngân sách và nhất là khi cần phát động mở rộng xét nghiệm như khu vực này hiện nay có thể phát kit test cho người dân thực hiện tất cả mọi gia đình, tránh việc tập trung xét nghiệm tăng lây nhiễm và đặc biệt người lấy mẫu quá tải, không sát trùng hay thay găng tay làm lây nhiễm từ người này sang người khác như đã xảy ra là khó tránh khỏi. Biết có lợi như thế mà không làm đã dẫn đến một số hệ lụy nhãn tiền, người dân tìm kiếm mua test kit trên mạng vào loại không phải danh mục chuẩn của Bộ Y tế khuyến cáo, kết quả là âm tính giả như một gia đình tại TP. Hồ Chí Minh nhiều lần âm tính nhưng khi làm RT PCR thì 5 người trong nhà dương tính. Hệ lụy thứ 2 như tại ổ dịch này, người đi khám ở Bệnh viện (Hồng Ngọc), gây nguy hiểm cho Bệnh viện nếu sàng lọc không tốt. Xét nghiệm này chỉ có ý nghĩa sàng lọc, khi test nhanh kháng nguyên dương tính, người dân cần báo ngay với cơ quan y tế để được xét nghiệm khẳng định bằng RT PCR.
Theo PGS TS Nguyễn Viết Nhung: Xét nghiệm kháng nguyên nhanh sẽ phát hiện được những trường hợp tải lượng virus đang ở mức cao, tức là nhiều virus, mức độ lây nhiễm cao, có nghĩa là những trường hợp này là những nguồn lây nguy hiểm thường xảy ra vào 5 - 7 ngày đầu của bệnh. Những trường hợp âm tính và RT PCR dương tính thì thường là tải lượng virus thấp. Và vì là test sàng lọc, nên sẽ có những trường hợp test nhanh dương nhưng là dương tính giả nghĩa là không phải nhiễm Sars Cov 2 vì có RT PCR âm tính.
Đối với ổ dịch này, cái khó khăn là khu vực Thanh Xuân Trung có nhiều ngõ ngách, nhà dân ở sát nhau nên rất ít gia đình có đủ điều kiện cách ly tại nhà mà đều phải đi cách ly tập trung. Nếu có những trường hợp đủ điều kiện có thể để người dân tự cách ly theo dõi ở một phòng riêng biệt trong chính ngôi nhà mình là cách thí điểm tốt. Chúng ta có khái niệm “vùng xanh”, “vùng đỏ”, Thanh Xuân Trung hiện nay được coi là vùng đỏ, nghĩa là người trong vùng này không được ra ngoài, trái lại với vùng xanh thì người ngoài không được vào vùng xanh.
Cuối cùng, một vấn đề mà PGS TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng trong thời gian tới Hà Nội cần nghiêm túc thực hiện mô hình “mỗi phường là một pháo đài chống dịch bệnh” như lời Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu với các tỉnh phía Nam. Để đạt được hiệu quả, cần phải làm rõ định nghĩa thế nào là một pháo đài chống dịch, gồm những bộ phận nào, vai trò phân công cụ thể ra sao?...
Đồng quan điểm với chuyên gia y tế Nguyễn Viết Nhung, theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Khổng Minh Tuấn nhận định, chùm ca bệnh phường Thanh Xuân Trung đã đến vòng lây nhiễm thứ 2 hoặc 3. Chùm ca bệnh ở quận Thanh Xuân có sự tương đồng về đặc điểm với chùm ca bệnh ở quận Đống Đa (Văn Chương, Văn Miếu) dân cư đông đúc, ngõ nhỏ, ngách nhỏ, diện tích chật hẹp nên khả năng tiếp xúc lớn.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp này, ông Tuấn khuyến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống. Đặc biệt, phải thực hiện tốt công tác lấy mẫu xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu tách F0 ra khỏi cộng đồng; đồng thời đánh giá lại khu vực nguy cơ; đánh giá thêm về khu vực nguy cơ, đối tượng nguy cơ theo dịch tễ.
Một trong những biện pháp quan trọng để dập dịch bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Phải phong toả thật chặt, xét nghiệm toàn bộ khu vực để tìm hết F0 trong cộng đồng. Bên cạnh đó cần tránh hiện tượng ngoài chặt, trong lỏng, người dân không được đi sang nhà nhau, phải phong toả rất chặt mới ngăn chặn được dịch bùng phát tại phường Thanh Xuân Trung”.
Cùng quan điểm với nhiều chuyên gia, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang rất phức tạp.
Tại buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận Thanh Xuân ngày 25/8, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: “Thanh Xuân đang là địa bàn nguy cơ cao nhất”.
Ông yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường giám sát chặt khu phong tỏa. “Lực lượng y tế và công an cần vào cuộc ngay, từ yếu tố dịch tế, khoanh chặt vùng lõi trong khu phong tỏa. Vùng đỏ nhất trong vùng đỏ phải được thiết lập khu vực riêng. Tuyệt đối không để người dân nhà này sang nhà kia”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói.
Ông cũng chỉ đạo thiết lập chốt ở đúng vùng trọng điểm, khóa cứng vùng lõi trong ổ dịch; lưu ý người dân trong các khu tập thể trên địa bàn “ai ở đâu ở nguyên đó” để giữ nguyên hiện trạng, phục vụ công tác truy vết.
Liên quan đến việc xét nghiệm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đánh giá, từ căn cứ khoa học, việc lấy mẫu chưa “quét” trúng vùng đỏ, nhóm đỏ, nên mới có chuyện bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, quận cần chú ý xét nghiệm theo dịch tễ, di biến động của F0, F1, tranh thủ từng giờ, từng ngày để nhanh chóng sàng lọc.
Vũ Thủy