Nhận diện những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của các KOLS
Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội với số lượng người dùng tăng lên nhanh chóng, sự ra đời và hoạt động của các KOLS cũng tăng tỷ lệ thuận theo cấp số nhân. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng 200.000 KOLS đang hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội, tăng gấp 4 lần so với năm 2012. Các bài viết của KOLS trên mạng xã hội ngày càng có độ phủ sóng và chuyên nghiệp trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội với nội dung phong phú và hấp dẫn. Có thể kể đến một số lĩnh vực tiêu biểu như: lĩnh vực làm đẹp có các KOLS nổi tiếng như Chang make up, Chloe Nguyễn, Hannah Olala…, lĩnh vực ẩm thực có Ninh tito, Dinology-Dino Vũ; lĩnh vực thể thao có Trang Lê Fitness, Hana Giang Anh…; lĩnh vực thời trang có những tên tuổi như Châu Bùi, Quỳnh Anh Shyn…
Với sự hiểu biết của mình trong một số lĩnh vực chuyên môn, KOLS chia sẻ kiến thức với những nội dung phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Những kiến thức đó nhận được sự quan tâm rất lớn của giới trẻ là những người đang cần tích lũy kinh nghiệm của cuộc sống để từ đó có những nhận thức, hành vi đúng đắn và những ứng xử linh hoạt trong đời sống xã hội. Có thể kể đến KOLS tiêu biểu đó là Khánh Vy với kênh youtube “Khánh Vy official” với hơn 2.000.000 người theo dõi, Vy thường xuyên chia sẻ những thông điệp sống tích cực, kỹ năng học tập tiếng Anh từ đó khiến các bạn trẻ có thêm nhiều động lực và kinh nghiệp trong học tập và cuộc sống.
Bên cạnh việc chia sẻ những kiến thức và thông tin bổ ích, KOLS còn góp phần lan tỏa lối sống tích cực đến các bạn trẻ như “lối sống xanh” để bảo vệ môi trường hay “ăn sạch, sống sạch” để chăm sóc sức khỏe và vóc dáng. Rất nhiều các hoạt động của các KOLS trên mạng xã hội làm cho giới trẻ thêm tự hào về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam khi họ tích cực lan tỏa những điều tích cực đến với cộng đồng, quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Cùng với những KOLs có trách nhiệm, có vai trò ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, đến nhận thức và hành vi của giới trẻ, cũng có không ít người đã lợi dụng ảnh hưởng của mình để có những hành vi xâm phạm an ninh, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ …
Một số KOLS thường xuyên chia sẻ, đăng tải cuộc sống xa hoa, hưởng thụ, ích kỷ, cổ xúy lối sống thực dụng. Họ coi đồng tiền là thước đo giá trị sống để đánh giá con người. Điều này khiến cho một bộ phận giới trẻ nhận thức và kinh nghiệm sống còn hạn chế dễ lầm tưởng đây là cách sống đúng đắn mà mình cần theo đuổi, dễ tạo lập lối sống đua đòi, muốn sở hữu những sản phẩm xa xỉ và trải nghiệm những dịch vụ xa hoa không phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân và gia đình. Từ đó dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, a dua theo bạn bè mua sắm, chơi bời; chểnh mảng việc học tập và lười lao động; yêu cầu ba mẹ phải chu cấp quá khả năng, nếu không được đáp ứng thì có thái độ và hành vi chống đối; nguy hiểm hơn là bất chấp mọi giá thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để có tiền phục vụ cho nhu cầu ăn chơi của bản thân.
Một số KOLS với tên gọi “giang hồ mạng” thường xuyên phát tán các clip với lời lẽ thô tục, hành vi lệch chuẩn, lối sống buông thả, xa hoa, quảng bá văn hóa “giang hồ”, xử lý theo luật “giang hồ” thay vì pháp luật, chứng tỏ bản thân là người hùng trượng nghĩa…thu hút lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội khiến cho một số bộ phận người trẻ với cá tính thích thể hiện bản thân, thể hiện cái tôi nhưng nhận thức còn hạn chế tôn sùng những “giang hồ mạng” này như thần tượng, học đòi làm theo, có những thái độ và ứng xử thiếu lành mạnh, thiếu văn hóa.
Một số KOLS có những hành vi đòi xóa bỏ những phong tục, tập quán, những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc. Hay như một số KOLS ăn mặc phản cảm tại nơi công cộng, thiêng liêng như chùa chiền, đền, miếu… khiến một bộ phận giới trẻ bắt chiếc, học theo coi đó là bình thường, thể hiện cái tôi độc đáo và quyền tự do cá nhân. Đặc biệt gần đây, có một số KOLS là cầu thủ bóng đá, diễn viên, ca sỹ nổi tiếng vì lợi nhuận đã thực hiện các hoạt động quảng cáo chia sẻ các thông tin giả, sai sự thật, phóng đại công năng… cho các kênh cá độ cờ bạc, bán hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái…
Những thực tế phát sinh này khiến cho giới trẻ mất niềm tin vào các KOLS, làm ảnh hưởng đến uy tín của các KOLS hoạt động lành mạnh khác, từ đó nảy sinh ra nhiều vấn đề phức tạp đối với tình hình an ninh trật tự liên quan đến những dư luận truyền thông.
Không thể phủ nhận những vai trò tích cực rất đáng để biểu dương của các KOLS đã góp phần chia sẻ nhiều thông tin và kinh nghiệm sống hữu ích, thực hiện chức năng giáo dục, lan tỏa lối sống tích cực, truyền cảm hứng và làm gương cho giới trẻ, với những KOLS này cần khuyến khích họ tiếp tục hoạt động mạnh mẽ hơn để phục vụ cho đời sống cộng đồng, đặc biệt là định hướng nhận thức và hành vi đúng đắn cho giới trẻ.
Tuy nhiên, có một số KOLS với những hành vi lệnh chuẩn của mình lại gây ra những ảnh hưởng tiêu cực khiến giới trẻ mất niềm tin vào KOLS và xã hội, cổ xúy và học theo những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức và đi ngược với truyền thống tốt đẹp của con người và dân tộc.
Đề xuất biện pháp tăng cường các ảnh hưởng tích cực và giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của các KOLS
Vì vậy, để môi trường mạng ngày càng trong sạch và đem đến nhiều tác động tích cực cho giới trẻ, việc quản lý các KOLS hoạt động trong khuôn khổ pháp luật với các hành vi chuẩn mực là một công việc rất quan trọng. Theo đó, trong thời gian sắp tới, các bộ, ban, ngành cần thực hiện tốt một số biện pháp như sau để tăng cường các ảnh hưởng tích cực và giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của các KOLS đến giới trẻ:
Thứ nhất, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan , trong đó có Bộ Thông tin truyền thông tiếp tục củng cố, hoàn thiện hành lang pháp lý giúp hoạt động của các KOLS trên mạng xã hội đi vào khuôn khổ, có định hướng đúng đắn cũng như tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác quản lý của các KOLS trên mạng xã hội.
Thứ hai, cơ quan công an cần nắm bắt thường xuyên, phát hiện kịp thời các KOLS có những hành vi tiêu cực như đăng tin giả, phát ngôn gây chia rẽ, cổ xúy bạo lực, lối sống không lành mạnh và các hành vi vi phạm pháp luật khác để có các chế tài, xử phạt thậm chí xử lý hình sự đủ tính răn đe đối với các hành vi sai trái đó.
Thứ ba, Bộ Công thương tăng cường công tác quản lý các KOLS có thu nhập từ những hoạt động quảng cáo hàng giả, bán các sản phẩm kém chất lượng, vi phạm pháp luật khác… Tổng cục thuế tăng cường quản lý thu nhập, cát xê của các KOLS nhằm ngăn chặn hành vi trốn thuế để kịp thời xử lý.
Thứ tư, Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tăng cường giáo dục, tuyên truyền để định hướng nhận thức, lối sống đúng đắn cho giới trẻ, hạn chế tác động của những trào lưu, hoạt động tiêu cực trên không gian mạng, ngăn ngừa cổ xúy, học tập những người có ảnh hưởng tiêu cực trên không gian mạng.
Thứ năm, Liên hiệp hội Thanh niên Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật, các cơ quan báo chí, truyền hình đẩy mạnh công tác tuyên truyền định hướng những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tích cực tuyên truyền về những tấm gương, việc làm tốt đẹp trong xã hội; kịp thời lên án, phê phán những hiện tượng, trào lưu tiêu cực trên không gian mạng, phản bác thông tin xấu độc, lên án, vạch mặt các KOLS cực đoan, quá khích, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, lối sống. Đặc biệt tranh thủ uy tín và tầm ảnh hưởng của các KOLS có hoạt động lành mạnh, chuẩn mực để khuyến khích các KOLS tích cực tuyên truyền về những giá trị tốt đẹp và phản kích các nội dung sai trái, vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.
Ths. Nguyễn Thị Hồng (Khoa luật Học viện An ninh Nhân dân)