Trong quan niệm Phật giáo, Bồ tát Quan Thế Âm biểu tượng cho sự yêu thương, đại từ, đại bi. Ngài luôn quan sát, lắng nghe tiếng kêu cứu khổ trong nhân gian, mang lòng từ bi, nhân ái, vị tha để cứu độ chúng sinh.
Để tưởng nhớ và tôn vinh công đức của Quán Thế Âm Bồ Tát, hằng năm Phật tử khắp nơi trên thế giới thường làm lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát trang nghiêm theo lịch âm (vào các ngày đản sanh 19/2, ngày thành đạo 19/6, và ngày xuất gia 19/9).
Lễ khánh đản Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ tổ chức tại Chùa Bà (Ảnh: Sun World Baden Mountain)
Ngày 19 & 20/2 âm lịch năm nay, Lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát đản sinh sẽ được tổ chức tại quần thể tâm linh núi Bà Đen (Tây Ninh). Theo đó, Lễ khánh đản Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ được tổ chức từ 13h30 ngày 19/2 âm lịch tại Chùa Bà, dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Niệm Thới - Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tây Ninh, Trụ trì Chùa Bà. Lễ rước dâng hương từ Chùa Bà tới Đại tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn và Chương trình pháp thoại với chủ đề “Tâm bình an nhìn đâu cũng bình an” do thiền sư Thích Minh Niệm chủ trì sẽ diễn ra chiều cùng ngày tại khu vực đỉnh núi Bà.
Thiền sư Thích Minh Niệm là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Hiểu về trái tim” (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Thiền sư Thích Minh Niệm là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Hiểu về trái tim”– cuốn sách bán chạy nhất nước liên tục nhiều năm nay. Thầy xuất thân từ Phật giáo Đại thừa, Việt Nam, nhưng sau đó tiếp thu dòng thiền Vipassana của Phật giáo nguyên thuỷ, đã sinh sống gần 14 năm tại Pháp và Mỹ, từng lang thang “tu bụi” 3 năm qua miền hoang dã và các nông trại của 25 bang nước Mỹ. Hiện nay, thiền sư Thích Minh Niệm đã về lại Việt Nam thực hiện việc xây dựng cộng đồng chữa lành tâm hồn cho nhiều tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ. Thiền sư cũng dành nhiều sự quan tâm đến việc giảng dạy kỹ năng sống, kỹ năng vào đời, kỹ năng lãnh đạo…
Đỉnh núi Bà Đen - nơi diễn ra các hoạt động Lễ rước, pháp thoại và thả hoa đăng (Ảnh: Sun World Baden Mountain)
Sau chương trình pháp thoại, đêm hoa đăng mừng Quán Thế Âm Bồ Tát đản sinh sẽ được tổ chức trang trọng tại Quảng trường Đại tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn vào hai buổi tối 19 & 20/2 âm lịch, với sự tham dự của hàng trăm Phật tử và du khách. Những ánh nến lung linh huyền diệu trên đỉnh núi Bà Đen trong đêm hoa đăng sẽ thắp sáng lòng từ bi hỉ xả, chiếu soi đưa con người trở về với tự tánh hiền lương, tiếp nhận nguồn năng lượng tích cực và cân bằng thân-tâm-trí.
Được xem là miền đất linh thiêng, núi Bà Đen là điểm hành hương đón hàng triệu du khách mỗi năm đến chiêm bái, tìm kiếm sự an yên và tỉnh thức trong tâm hồn. Tọa lạc lưng chừng núi, Chùa Bà hơn 300 tuổi năm gắn với huyền tích về Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát thiêng liêng. Trên đỉnh núi là không gian văn hóa Phật giáo, với Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, khu triển lãm trưng bày hàng trăm phiên bản mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật Phật Giáo kinh điển, cùng công nghệ chiếu phim 3D mapping về sự hình thành của vũ trụ dưới lăng kính Phật giáo. Bởi lẽ đó, với các Phật tử và du khách, tham dự Lễ vía Quan Thế Âm Bồ tát được xem như một chuyến du hành tới miền đất thiêng, để hòa mình vào thiên nhiên thanh lành nơi núi Bà, cảm nhận linh khí đất trời lan tỏa, thẩm thấu an lạc trong tâm và chiêm bái những công trình tâm linh kỳ vĩ.
Lịch hoạt động của Lễ Vía Quán Thế Âm
- 13h30 - 15h ngày 19/02 âm lịch: Lễ khánh đản tại Chùa Bà
-15h - 16h30 ngày 19/02 âm lịch: Lễ rước dâng hương từ chùa Bà lên tới Đại tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn
-Từ 17h -19h30 ngày 19/02 âm lịch: Pháp thoại của Thiền sư Thích Minh Niệm diễn ra trong giảng đường với sức chứa 300 người, đồng thời BTC bố trí màn hình lớn livestream chương trình dành cho Phật tử, du khách tham dự tại khu vực trung tâm quảng trường Đại tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn.
- Từ 19h30 -20h30 ngày 19 & 20/02 âm lịch: Đêm hoa đăng sẽ được tổ chức tại Quảng trường Đại tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn, quý Phật tử, du khách hoan hỉ sắp xếp thời gian để khám phá trọn vẹn những trải nghiệm tại đỉnh thiêng Núi Bà.
Các lưu ý khi tham dự Lễ
- Về vé: Quý Phật tử và du khách chỉ chi trả chi phí đi lại (vé cáp treo, vé vào KDL), ngoài ra không cần chi trả khoản phí nào để tham dự khoá lễ.
- Về trang phục: Nên chọn trang phục kín đáo, lịch sự. Khuyến khích mặc lễ phục Phật tử (áo nâu, áo lam) khi tham dự Lễ.
- Về quy định trong thời gian giảng pháp: Vui lòng giữ im lặng, không sử dụng điện thoại trong toàn bộ thời gian giảng pháp và hạn chế di chuyển; tuân thủ theo hướng dẫn của Ban Tổ chức tại sự kiện.
PV
Link nội dung: //ids-ip.com/index.php/nui-ba-den-tay-ninh-se-to-chuc-le-via-quan-the-am-bo-tat-vao-ngay-192-am-lich-a256565.html