(Pháp lý) - Liên tiếp trong những ngày vừa qua, Hà Nội ghi nhận các ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng . Đáng quan ngại nhiều ca được phát hiện tại các chợ dân sinh cũng như trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Sự việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh “tấn công” vào các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu.
Do đó, yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các bộ, ban, ngành liên quan và ý thức chấp hành công tác phòng, chống dịch của người dân. Chia sẻ về vấn đề này, PGS TS Trần Đắc Phu ( chuyên gia Bộ Y tế, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam) khuyến cáo 1 biện pháp có thể hạn chế tình trạng trên là người dân nên đi chợ với tần suất tiếp tục giảm đi, nên chỉ đi chợ 1 đến 2 lần/tuần, thay vì 2 ngày/lần như hiện nay.
Liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới tại các chợ, hệ thống siêu thị
Tính đến ngày 4/8, Hà Nội đã phong tỏa ít nhất 5 chợ do liên quan đến các ca dương tính là tiểu thương. Trong đó có chợ đầu mối Long Biên, chợ đầu mối phía Nam (chợ Đền Lừ, quận Hoàng Mai), chợ đầu mối Minh Khai, chợ Đồng Xá (quận Bắc Từ Liêm), chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm).
Đồng thời, Hà Nội cũng ghi nhận tổng số 43 ca dương tính SARS-CoV-2 liên quan Công ty Thực phẩm Thanh Nga, trụ sở tại ngõ 651 Minh Khai, phường Thanh Lương, quận Đống Đa. Liên quan đến chuỗi lây nhiễm này, Thành phố đã xác định được 55 khách sạn, siêu thị, bệnh viện thuộc địa bàn của 12 quận, huyện: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoài Đức, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Tây Hồ và Thanh Xuân. Trong đó có 41 cửa hàng thuộc hệ thống Vinmart, Vinmart+.
Thực tế trên dấy lên những lo ngại và cảnh báo mạnh mẽ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cũng như yêu cầu chính quyền, các cơ quan chuyên môn cần đặt ra những biện pháp mới phù hợp hơn với tình hình hiện nay.
Giải pháp nào ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tại chợ và siêu thị ?
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Pháp lý, PGS TS Trần Đắc Phu nhận định, với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, người dân đi chợ 2 ngày/lần vẫn là “hơi dày”.
PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá quyết định giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được Thành phố triển khai là rất đúng lúc, rất kịp thời với bối cảnh hiện tại, áp dung giãn cách toàn xã hội để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng người tiếp xúc với người. Đặc biệt, người dân nói chung đã nhận thức tốt các quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh và tin tưởng, ủng hộ các quyết sách của chính quyền.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, hiện nay số ca mắc tại Thành phố vẫn không ngừng gia tăng, đáng nói còn rất nhiều ca nhiễm lẩn khuất trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, xuất hiện nhiều ổ dịch mới tại hệ thống các chợ, siêu thị - nơi tập trung số lượng lớn người dân.
Trong khi đó, khu vực chợ và các hệ thống siêu thị lại là nơi có dịch tễ phức tạp, khi có ca mắc thì việc truy vết dịch tễ cũng khó khăn. Do vậy PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến nghị người dân nên đi chợ với tần suất 2 lần/tuần, thay vì 2 ngày/lần như hiện nay. Người dân nên tập trung mua những đồ thiết yếu, đồ thật sự cần thiết và mua đủ dùng cho vài ngày.
“Để đảm bảo lượng hàng hóa cần mua, trước khi ra chợ, người dân nên kê khai hàng hóa vào danh sách những đồ cần mua và mua nhanh, mua gọn. Không nên kéo dài thời gian ở những khu vực có nguy cơ”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Cũng theo PGS TS Trần Đắc Phu, để giảm thiểu hơn nữa nguy cơ lây nhiễm, Hà Nội và Ban quản lý các chợ cần đảm bảo các gian hàng đủ điều kiện thông thoáng; lối mua hàng 1 chiều; 100% người dân đến chợ đảm bảo khoảng cách an toàn và quét mã QR Code để hỗ trợ công tác truy vết khi phát hiện ca F0. Trước khi đến chợ mua hàng cần rửa tay sát khuẩn để tránh lây nhiễm cho người bán hoặc qua hàng hóa để lây nhiễm cho khách hàng khác. Sau khi mua đồ về, người dân cần rửa sát khuẩn không chỉ tay mà còn cả hàng hóa.
Giải pháp tiếp theo ông Phu cho rằng nên bố trí thêm các chợ dân sinh có tổ chức, thực hiện chuẩn chỉnh tiêu chí 5K ở ngoài đường, nơi không có người đi lại hay các khu công cộng… tạo không gian thông thoáng. “Tại đây cả người mua và người bán đều phải tuân thủ 5K, các quầy hàng nên làm tấm chắn (có thể là kính hoặc bằng nilon), quy định khoảng cách tối thiếu 2 mét giãn cách để bảo đảm khoảng cách án toàn giữa người mua với người bán hay giữa những người mua với nhau.
PGS TS Trần Đắc Phu cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì việc thực hiện bán hàng không chạm là biện pháp tối ưu nhằm hạn chế lây nhiễm bệnh. Theo đó, mỗi quầy nên đặt bàn ở phía trước, người bán lấy đồ theo nhu cầu của người mua rồi để lên đó, người mua cũng để tiền vào hộp đặt ở bàn.
“Người bán hàng nên đi găng tay, theo tôi cũng chỉ cần găng tay ni lon giá rẻ và thuận tiện. Chợ cũng nên bố trí nước sát khuẩn cho người mua hàng trước khi vào chợ để có thể tránh lây nhiễm từ khách hàng cho người bán hàng. Người đi chợ về không cần thiết phải xịt thuốc sát khuẩn vào hàng hoá mà cần rửa tay sát khuẩn, tuyệt đối không đưa tay lên mũi khi chưa vệ sinh tay sạch sẽ. Tại chợ thì nên khử khuẩn thường xuyên tại các sàn, sập hàng”.
Cũng theo PGS TS Trần Đắc Phu, đối với các trường hợp làm lây lan dịch bệnh tại hệ thống chợ, siêu thị, khu vực tập trung đông người, nếu cơ quan chức năng làm rõ được động cơ của người phạm tội thì cần thiết phải xử lý theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Nghị định 117/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế năm 2020. Trong trường hợp rất nghiêm trọng, hành vi làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị xử lý trách nhiệm về hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người vi phạm có thể đối diện với mức hình phạt tù cao nhất là 12 năm tù.
Ngày 3/8 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có Công văn 5312/VPCP- KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong các chuỗi cung ứng.
Công văn nêu rõ, trong mấy ngày gần đây xuất hiện tình trạng lây nhiễm Covid-19 trong hệ thống phân phối tại Thành phố Hà Nội và một số địa phương, là nguy cơ rất lớn có thể làm bùng phát dịch trên diện rộng, nhất là ở những đô thị lớn, khu vực đông dân cư.
Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải rà soát lại các quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19 đối với hệ thống chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng, siêu thị… (đặc biệt ở các khu đô thị có đông dân cư); có chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với tình hình mới.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đảm bảo tổ chức, vận hành hệ thống chợ, siêu thị an toàn.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý, đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cần chú trọng tổ chức các điểm phân phối ngoài không gian mở, đảm bảo khoảng cách tiếp xúc.
Vũ Thủy