Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng các đại biểu bấm nút khởi công dự án
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không (CHK) Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Quyết định số 2148/QĐ-TTg ngày 20/12/2021 và được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2023.
Mục tiêu dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, xã hội; đồng thời đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực Trung Bộ nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng; phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải.
CHK Quảng Trị được thực hiện tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Dự án CHK Quảng Trị có quy mô hơn 265 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, được xây dựng đạt tiêu chuẩn CHK cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, trong đó thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng là 24 tháng; thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 2 tháng. Dự kiến đến tháng 7/2026, CHK Quảng Trị sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng.
CHK Quảng Trị được xác định là một trong 16 CHK quốc nội thời kỳ 2021 – 2030 và một trong 19 CHK quốc nội tầm nhìn đến năm 2050 theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023. Trước đó, CHK Quảng Trị cũng được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 188/QĐ-BGTVT ngày 26/1/2021.
Cuối tháng 12/2023, tỉnh Quảng Trị đã trao Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp dự án PPP cho Liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T (thành viên Tập đoàn T&T Group) và Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4.
Quảng Trị sở hữu vị trí địa kinh tế - chính trị quan trọng, là giao điểm của trục kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy, trong đó có các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia; đặc biệt tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC), tuyến đường xuyên Á ngắn nhất nối các nước trong khu vực từ Myanmar - Thái Lan - Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến miền Trung Việt Nam và mở rộng ra khu vực ASEAN.
Đáng chú ý, nằm trong Khu vực động lực phát triển du lịch Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, Quảng Trị sở hữu thế mạnh du lịch vượt trội với đường bờ biển dài 75km, các khu du lịch nghỉ dưỡng dọc ven biển Cửa Việt - Cửa Tùng, các hang động, thác nước đẹp như thác Tà Puồng, động Brai và nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh quy mô cấp tỉnh, cấp quốc gia như Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải… Trong bối cảnh du lịch tâm linh, du lịch về nguồn tăng mạnh, dự báo lượng khách từ 2 đầu đất nước đổ về Quảng Trị để thăm lại chiến trường xưa, tham quan các di tích gắn với lịch sử dân tộc kết hợp du lịch nghỉ dưỡng sẽ bùng nổ.
Quảng Trị hiện có tốc độ phát triển nhanh và bền vững. Ngoài Khu kinh tế Đông Nam, Quảng Trị còn có 2 cửa khẩu quốc tế là Lao Bảo và La Lay, lại nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây gắn liền Quốc lộ 9 (được xác định là trục xương sống kết nối chặt chẽ với các trục hành lang kinh tế Bắc - Nam). Với định hướng phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của miền Trung và cả nước vào năm 2030, Quảng Trị đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư năng lượng.
Với những lợi thế và tiềm năng đó, việc đưa vào khai thác CHK Quảng Trị sẽ góp phần “mở cửa bầu trời”, kích cầu du lịch, kết hợp vận chuyển hàng hóa, logistics, phục vụ phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, dịch vụ thương mại, đô thị sân bay; đồng thời góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.… Bên cạnh đó, CHK Quảng Trị cũng sẽ trở thành điểm nhấn về hạ tầng giao thông, là điều kiện quan trọng thu hút doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến đầu tư. CHK Quảng Trị sẽ tăng cường kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được khai thác, đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Cùng với các dự án như cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Quốc lộ 15D, đường xuyên Á nối Lào - Thái Lan, dự án đường ven biển nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây, cao tốc Lao Bảo - Cam Lộ, cảng nước sâu Mỹ Thủy, tuyến đường sắt Mỹ Thủy - Đông Hà - Lao Bảo, dự án CHK Quảng Trị là mảnh ghép quan trọng để hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ của địa phương, trở thành đòn bẩy quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội Quảng Trị phát triển.
Đặc biệt, dự án sẽ hiện thực hóa khát vọng bao đời nay của nhân dân Quảng Trị với mong muốn rút ngắn hành trình Bắc - Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân cả nước và những gia đình có người thân, đồng đội chiến đấu, hy sinh tại chiến trường Quảng Trị; bạn bè quốc tế đến với mảnh đất, con người Quảng Trị được thuận lợi, nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển phát biểu tại lễ khởi công
Theo ông Đỗ Quang Hiển, Nhà sáng lập, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T Group, Tập đoàn dành rất nhiều tâm huyết cho mảnh đất Quảng Trị. T&T Group cam kết sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để hoàn thành CHK Quảng Trị, đưa dự án trở thành động lực phát triển kinh tế địa phương; đồng thời trở thành cầu nối gắn kết, kết nối nhân dân cả nước hướng về vùng đất thiêng Quảng Trị. Cùng với các dự án động lực, quy mô lớn khác về năng lượng, hạ tầng, bất động sản khác của T&T Group đang được triển khai và đề xuất đầu tư, T&T Group quyết tâm gắn bó, đồng hành cùng Quảng Trị, thực hiện mục tiêu đến năm 2030, đưa Quảng Trị trở thành tỉnh đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước theo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Đến năm 2026, những chuyến bay mang theo khát vọng, hoài bão của người dân Quảng Trị sẽ cất cánh trên bầu trời
"Tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị, cùng với sự hỗ trợ tích cực, có hiệu quả của Trung ương và các bộ, ban, ngành có liên quan và sự đồng hành của Liên danh Nhà đầu tư, đến năm 2026, những chuyến bay mang theo khát vọng, hoài bão của người dân Quảng Trị sẽ cất cánh trên bầu trời", Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng phát biểu tại lễ khởi công
Cũng tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng nhấn mạnh: CHK Quảng Trị - một công trình mang biểu tượng hòa bình và hiện thực hóa khát vọng “Mở cửa bầu trời - cất cánh bay lên” của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị. Đây là dự án CHK đầu tiên trong cả nước được triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) ngay sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực.