Bộ Y tế nhập 200.000 test xét nghiệm nhanh từ Hàn Quốc, ưu tiên dùng cho người cách ly tập trung, cách ly tại nhà, người từng đến bệnh viện Bạch Mai.
Họp trực tuyến Bộ Y tế với 300 điểm cầu từ Hà Tĩnh trở ra chiều 29/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Việt Nam không thiếu sinh phẩm xét nghiệm nCoV, trong đó gồm cả sinh phẩm để làm xét nghiệm real time RT-PCR, test xét nghiệm nhanh.
Theo ông Long, 200.000 test nhanh được nhập ở Hàn Quốc trong thời gian tới, sẽ ưu tiên xét nghiệm đối với 37.000 người đang ở các khu cách ly tập trung, hàng chục nghìn người đang cách ly tại nhà và những người từng đi đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 tới nay. Các địa phương nếu có điều kiện thì làm xét nghiệm real time RT-PCR, nếu không thì đợi test nhanh để làm.
Bộ Y tế cũng lưu ý test nhanh chỉ dùng sau 7 ngày kể từ khi tiếp xúc với mầm bệnh. Trước 3 ngày thì độ nhạy, độ đặc hiệu rất thấp.
Cục Y tế Dự phòng sẽ có hướng dẫn sử dụng sinh phẩm cụ thể.
Trước đó, Việt Nam sản xuất thành công kit thử nCoV. Hai loại kit chẩn đoán nCoV bằng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và real-time RT-PCR) được nghiên cứu và phát triển thành công bởi Học viện Quân y và Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á. Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị cấp kinh phí nghiên cứu. Kit thử đã được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào sản xuất đại trà.
Kit do Công ty Việt Á sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành từ ngày 4/3, hiện được sử dụng song song cùng test kit nhập khẩu.
Trong ngày 30/3, Bộ Y tế sẽ có 100.000 sinh phẩm để chẩn đoán xét nghiệm Covid-19. Trong tháng 4, bộ dự kiến tiếp tục mua thêm 100.000 sinh phẩm nữa để xét nghiệm.
Như vậy, Việt Nam sẽ có 200.000 sinh phẩm để xét nghiệm.
Bộ đã cấp 20 máy Realtime PCR cho các địa phương để chủ động trong việc xét nghiệm. Dự kiến sắp có thêm 20 máy. Các địa phương có thể thực hiện xét nghiệm ngay, không cần phụ thuộc tuyến trung ương.
Hiện nay cả nước có 24 phòng xét nghiệm được phép khẳng định mẫu dương tính nCoV. Những phòng xét nghiệm khác nếu có mẫu dương tính thì gửi cho 24 đơn vị trên để xét nghiệm khẳng định lại.
Ông Long khẳng định: "Việt Nam không thiếu sinh phẩm chẩn đoán, vì vậy cần mở rộng xét nghiệm, khoanh vùng, cách ly, dập dịch và điều trị. Đây là chiến lược mới trong giai đoạn hiện nay".
Riêng với ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương rà soát tất cả đối tượng có nguy cơ cao để thực hiện cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung, gồm: bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cán bộ nhân viên y tế, người đã học, thực tập hoặc trao đổi về mặt chuyên môn, nhân viên Công ty Trường Sinh, mạng lưới chăm sóc bệnh nhân.
Theo
Nguồn bài viết: