Sáng 06/7/2021, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực – Vấn đề lý luận và thực tiễn”. Các đồng chí: GS. TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; TS. Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban, Chủ tịch Hội đồng khoa học Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, đại diện ban, bộ, ngành Trung ương; chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí nguyên lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện Thường trực tỉnh ủy, thành ủy, các ban nội chính Thành ủy Hà Nội, Hải phòng, lãnh đạo Ban Nội chính tỉnh ủy: Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và lãnh đạo, chuyên viên các vụ, đơn vị chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương.
Khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban, Chủ tịch Hội đồng khoa học Ban Nội chính Trung ương cho biết, thời gian qua, với quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ nét, là một điểm sáng, dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào sự thật, tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Nguyên nhân cơ bản là do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến tiêu cực, tham nhũng; trong khi đó, công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực mặc dù đã đạt được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhưng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Theo báo cáo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, 5 năm qua có trên 87.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó có trên 46.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật do liên quan đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những hạn chế nêu trên, trong đó có nguyên nhân công tác phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn phân tán ở nhiều cơ quan, chưa đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của một đầu mối; chưa gắn kết chặt chẽ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cùng với tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng quyết liệt, hiệu quả, yêu cầu đặt ra là phải đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa đấu tranh phòng, chống tham nhũng với đấu tranh phòng, chống tiêu cực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đồng chí nhấn mạnh, “Đây chính là nội dung quan trọng cần được tập trung nghiên cứu nghiêm túc, sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn phục vụ xây dựng Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham gia thảo luận, nhận diện rõ tình hình tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; mối quan hệ giữa tiêu cực với tham nhũng, giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực; nhận diện 15 nhóm biểu hiện tiêu cực phổ biến, nghiêm trọng, phức tạp trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đề xuất chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về công tác phòng, chống tiêu cực cụ thể, đồng bộ; nhất là, xác định phạm vi, cách thức chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực…
Các ý kiến cơ bản đồng tình, tiêu cực là khái niệm rất rộng, đối lập với những gì tích cực; tham nhũng, lãng phí, quan liêu đều nằm trong khái niệm tiêu cực. Căn cứ vào các Nghị quyết của Đảng, tiêu cực được hiểu là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, lợi ích nhóm; giữa tiêu cực và tham nhũng có mối quan hệ chuyển hóa với nhau, thực tế là trong các vụ án tham nhũng đều có yếu tố tiêu cực. Tuy nhiên, kết quả phát hiện và xử lý tiêu cực còn rất ít, chưa tương xứng với thực trạng đang diễn ra trong Đảng và trong đời sống xã hội; phòng, chống tiêu cực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; nếu giao việc này cho một bộ, ngành Trung ương nào thì cũng đều khó khăn. Bởi vậy, việc bổ sung chức năng phòng chống tiêu cực cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết, để có thể chỉ đạo một cách căn cơ, đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới.
Phát biểu kết luận, đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đánh giá cao và cảm ơn các ý kiến tham luận chất lượng, tâm huyết đầy trách nhiệm của các đại biểu. Đồng chí nhấn mạnh, đây là nội dung quan trọng cần được nghiên cứu nghiêm túc, sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn phục vụ xây dựng Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực đúng theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo noichinh.vn
Nguồn bài viết: //noichinh.vn/tin-hoat-dong/202107/ban-noi-chinh-trung-uong-hoi-thao-khoa-hoc-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-309757/